Ép chọn giới tính thai nhi là bạo lực gia đình

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, ép lựa chọn giới tính thai nhi xâm phạm đến sức khỏe, tinh thần phụ nữ, cần được quy định là hành vi bạo lực gia đình.

Ép lựa chọn giới tính thai nhi xâm phậm đến sức khỏe, tinh thần người phụ nữ (Ảnh minh họa)

Chiều 16/4, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Khoản 1 điều 4 của dự thảo nêu 16 hành vi được coi là bạo lực gia đình, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bổ sung thêm hành vi ép lựa chọn giới tính thai nhi vào điều khoản nói trên.

“Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn giới tính thai nhi bắt buộc cũng là hành vi bạo lực gia đình, liên quan đến giới. Vậy việc bắt ép, bạo hành trong lựa chọn giới tính thai nhi có phải là hành vi bạo lực gia đình hay không, chúng ta phải tính toán xét cả về khía cạnh pháp lý và thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho hay nhiều trường hợp phụ nữ có thai không đúng theo ý muốn đã bị "chồng hành hạ khủng khiếp chứ không đơn giản".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bổ sung thêm hành vi ép lựa chọn giới tính thai nhi là bạo lực gia đình

Chủ tịch Quốc hội nêu thực trạng bạo hành, xâm hại giữa mẹ kế con chồng hay bố dượng, người tình của mẹ với con riêng vợ đang xảy ra nhiều, có vụ để lại hậu quả đau thương. Bên cạnh đó, bạo lực giữa những người sống chung với nhau nhưng không có quan hệ nuôi dưỡng, hoặc trước đó có quan hệ nuôi dưỡng nhưng giờ đã chấm dứt cũng diễn ra nhức nhối, ví dụ như bé gái bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu gây tử vong.

"Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ xem quan hệ này có nằm trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật hay không? Cần cụ thể hóa các biện pháp nhận diện để ngăn chặn những vụ việc tương tự", Chủ tịch Vương Đình Huệ nói và đề nghị ngành tư pháp, khoa học pháp lý, hình sự, công an, viện kiểm sát, tòa án, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật Quốc hội nghiên cứu thêm.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết ông quan tâm đến bạo lực gia đình liên quan đến dạy và học của trẻ em. Theo ông, kỳ vọng quá lớn của cha mẹ đối với con cái dẫn đến việc các cháu học đến 3, 4h sáng. Nhiều phụ huynh mong muốn con cái phải được điểm 10, đi theo nghề nghiệp cha mẹ mong muốn. Đó là "những áp lực đôi khi vượt quá năng lực, khả năng chịu đựng của trẻ em".

Vì vậy, ông Sơn đề nghị ban soạn thảo cân nhắc nội dung cha mẹ không thực hiện trách nhiệm dạy con, hoặc sử dụng các biện pháp thái quá trong dạy con cái là hành vi bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, việc ép con lựa chọn nghề nghiệp trái với mong muốn, nguyện vọng cần đưa vào nhóm hành vi có dấu hiệu bạo lực gia đình.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề cập đến bạo lực gia đình liên quan việc dạy và học tập của trẻ em.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu những gợi mở của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến các vị đại biểu để quy định rõ hơn các loại hình bạo lực tinh thần, bên cạnh thể chất.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện là hơn 324.600 vụ. Trong giai đoạn này, số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm. 2009 là hơn 53.200 vụ, giảm xuống còn khoảng 19.200 vụ trong năm 2015 và gần 5.000 trong năm 2021.

Trong khi đó, Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ chỉ ra năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng, cứ ba phụ nữ thì có một người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ.

Đối với trẻ em, 69% được điều tra cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng đánh, đấm, đạp, tát... và 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực. Trẻ em cũng là nhóm có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình, với 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.