Dạy trẻ bảo vệ môi trường từ việc phân loại rác tại gia đình

Rác thải nhựa luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Do đó, việc giáo dục trẻ ngay từ nhỏ về bảo vệ môi trường là điều rất quan trọng.

Ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt vì tác động nghiêm trọng tới môi trường cũng như làm tổn hại tới sức khỏe con người.

Các chuyên gia cho rằng ý thức bảo vệ môi trường nói chung, thu gom rác, phân loại rác nói riêng phải bắt đầu từ mỗi gia đình.

Tuy nhiên, làm thế nào để có thể hình thành các mô hình kiểu như “gia đình xanh”? Việc giáo dục trẻ em về ý thức phân loại rác thải nhựa phải bắt đầu từ đâu và bằng những cách nào thì không phải ai cũng nắm rõ.

Phụ huynh dạy con cách bỏ, phân loại rác đúng quy định (Ảnh minh họa) 

Giáo dục trẻ em về ý thức phân loại rác thải nhựa phải bắt đầu từ khi nào?

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Giải pháp phân loại trác thải nhựa tại gia đình” do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức, PGS. TS Bùi Thị An - Viện trưởng viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, nguyên Đại biểu quốc hội khoá XIII cho biết, với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng, giá thành thấp, túi nilon và các sản phẩm bằng nhựa được người dân sử dụng phố biển và cùng với đó là lượng rác thải gây áp lực đến môi trường sống ngày càng lớn.

Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chiến đó. Tác động của ô nhiễm môi trường là vô cùng nặng nề, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống hiện tại mà còn đe dọa cả thế hệ tương lai nếu chúng ta không có phương án hành động đúng đắn và kịp thời.

“Thực tế, trẻ nhỏ chính là đối tượng dễ phải chịu tác động xấu từ môi trường biến đổi khí hậu với những bệnh dịch điển hình như sốt rét, sốt xuất huyết. Nhiệt độ toàn cầu tăng cao, trái đất nóng dần lên khiến ngày càng có nhiều trẻ mẫu giáo phải điều trị bệnh viêm dạ dày hay sốt tại các khoa cấp cứu của bệnh viện vì chúng có ít khả năng điều chỉnh cơ thể trong các đợt nắng nóng gay gắt”, PGS. TS Bùi Thị An chia sẻ.

Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, là thế hệ “kiến tạo” và định hình tương lai. Dạy trẻ bảo vệ môi trường chính là cách trao cho con “trách nhiệm” để tự quyết định chất lượng cuộc sống trong tương lai của mình. Vậy gia đình nên bắt đầu dạy con từ khi nào?

PGS. TS Bùi Thị An cho rằng, sẽ chẳng bao giờ sớm để cha mẹ bắt đầu những bài học giúp con hình thành nhận thức về vấn đề môi trường. Bởi vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, con có thể bắt chước, hiểu những hành động của người khác nói là cha mẹ có thể bắt đầu dạy con về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tùy từng vào lứa tuổi và nhận thức của con mà cha mẹ, thầy cô có thể bắt đầu những bài học về môi trường phù hợp.

“Dạy con biết cách bảo vệ môi trường sống không phải là điều cao xa, nó bắt đầu từ những hành động nhỏ nhặt mang ý nghĩa lớn trong cuộc sống hàng ngày như con uống xong hộp sữa thì phải để rác ở đâu,…

Do đó, giáo dục từ tấm bé đến khi học là quá trình dài và hiệu quả, làm cho các con hiểu hơn về môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe các con như thế nào. Thậm chí, trẻ còn nhắc nhở lại chính bố mẹ của mình khi vứt rác không đúng chỗ”, vị chuyên gia phân tích.

Hình thành ý thức phân loại rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống ngay từ bé (Ảnh minh họa)

Những lợi ích khi cha mẹ dạy trẻ biết bảo vệ môi trường từ bé

Dạy trẻ bảo vệ môi trường đem đến nhiều tác động tích cực cho cả bé và cha mẹ. Với cha mẹ, thời gian bên con tìm hiểu về môi trường, các hành động để bảo vệ thiên nhiên sẽ là khoảng thời gian quý giá gắn kết tình cảm gia đình, từ đó con biết thấu hiểu và nghe lời hơn.

Với trẻ nhỏ, những bài học bảo vệ môi trường thiên nhiên sẽ giúp con là người sống văn minh, có trách nhiệm hơn trong tương lai, thúc đẩy sự sáng tạo như tái chế chai nhựa thành đồ dùng học tập, chậu cây,…

Đặc biệt, thay đổi vận mệnh của trái đất bởi lẽ những hành động và quyết định của hiện tại đều có tác động đến môi trường sống trong tương lai và nhiều thế hệ sau này. Dạy trẻ bảo vệ môi trường là vấn đề cần thiết, giúp con có nhận thức và hành động “đối xử” với môi trường đúng đắn ngay từ khi còn nhỏ, góp phần thay đổi môi trường theo hướng tích cực hơn.

 -->> Gia đình tái chế rác thải nhựa giúp trẻ rời điện thoại, tivi