Dạy con yêu Tết cổ truyền nhờ những lần về cúng gia tiên

Ngày xưa, cứ đến tầm này của năm là lũ trẻ chúng tôi lại vô cùng háo hức. Vì sắp đến Tết, sắp được bố mẹ dẫn đi chợ mua quần áo mới, được ngồi trông bánh chưng, được ngắm pháo hoa, được ăn nhiều món ngon.

Những việc ý nghĩa đó dần khắc sâu vào tâm khảm và khiến tôi ngày càng yêu Tết cổ truyền dân tộc. Khi có con, tôi cũng muốn lan tỏa tình yêu đó đến chúng.

Vào đầu tháng 12 Âm lịch, khi cái lạnh mang theo cái nắng hanh hao tràn về là tại các nhà vườn, trên các cung đường phố thị, những cành đào… đã bắt đầu khoe sắc. Tôi thường tranh thủ dịp cuối tuần dẫn các con đi tham quan và chụp ảnh. Hoa đào tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở bởi mỗi cành đào đều mọc nhiều hoa, hoa đan xen và quấn lấy nhau. Đây cũng là loài hoa của sự thủy chung như tình nghĩa của Quan Vũ, Lưu Bị và Trương Phi; họ từng kết nghĩa huynh đệ trong vườn đào với lời thề về sinh mệnh. Hoa còn mang sắc hồng rạng rỡ mang hy vọng về một cuộc sống an yên, ấm áp. Mỗi năm, tôi đều nhắc lại về ý nghĩa của hoa đào như vậy để các con hiểu vì sao đào lại xuất hiện nhiều vào dịp Tết.

23 tháng Chạp là ngày cúng ông Công, ông Táo. Theo quan niệm của người Việt thì đây là ngày Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời để bẩm báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình của gia chủ cho Ngọc Hoàng. Vào ngày này, tôi cũng kể cho các con nghe sự tích ông Công, ông Táo rồi dẫn chúng cùng đi thả cá chép phóng sinh. Đến giờ, các con tôi cũng rất yêu thích phong tục này và thường giành phần việc mang “phương tiện” cho ông Táo lên chầu trời.

Ảnh minh họa

Việc mà lũ trẻ háo hức nhất chính là được về quê đón Tết cùng ông bà, đi chợ Tết và cùng cả nhà gói, chông bánh chưng. Gia đình sinh sống ở thành phố nhưng năm nào cũng vậy, cứ khi bước vào kỳ nghỉ Tết là lại về quê. Mấy năm gần đây, nhiều bạn bè tôi chọn hình thức đi du lịch đón Xuân. Nhưng tôi không muốn các con quên đi ý nghĩa sum vầy, đoàn tụ của ngày Tết cổ truyền dân tộc. Đây cũng là dịp rất thuận lợi để chúng ta dạy lũ trẻ về truyền thống hiếu nghĩa, đạo “uống nước nhớ nguồn”.

Một phong tục ngày Tết khác mà tụi nhỏ cũng rất thích thú là nhận lì xì. Tuy nhiên ngày nay, không ai còn mừng tiền lẻ như ngày xưa nữa. Với số tiền lớn, nếu cha mẹ không chú ý dạy bảo sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý ham tiền, ham Tết chỉ để nhận tiền lì xì. Ngay từ nhỏ, tôi đã dạy các con rằng những bao lì xì đỏ là tượng trưng cho những lời chúc tốt đẹp và may mắn. Số tiền trong đó dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc. Sau Tết, số tiền lì xì đó sẽ được đút lợn hoặc mua đồ dùng học tập.

Còn rất nhiều những điều tốt đẹp mà cha mẹ có thể dạy con vào ngày Tết. Như ý thức trách nhiệm trong việc dọn dẹp nhà cửa, lời chúc tốt đẹp dành cho những người thân yêu, không khí thiêng liêng thời khắc giao thừa… Đặc biệt, điều mà các bạn nhỏ cảm nhận được và sẽ nhớ mãi là khoảnh khắc và cảm giác quây quần, sum họp của cả gia đình, mọi người cùng nhau ríu rít, hân hoan chuẩn bị đón Tết. Những ký ức này sẽ đi theo chúng cả cuộc đời, để dù ở tuổi nào, dù đi đâu thì mỗi khi Tết đến Xuân về, tâm hồn cũng luôn xao động.

-> Nghỉ dịch dài ngày: "Cơ hội vàng" dạy con gắn kết tình thân gia đình