Cô gái xương thủy tinh và hành trình trở thành họa sĩ tranh gạo

Vượt lên số phận, Thanh Thảo kiên cường theo đuổi ước mơ của bản thân đồng thời giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đến với nghệ thuật tranh gạo.

Mang trong mình căn bệnh "xương thuỷ tinh" nhưng cô gái Võ Thị Thanh Thảo (SN 1993, phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã nỗ lực vươn trong cuộc sống nhờ ý chí và nghị lực phi thường của bản thân.

Sinh ra trong gia đình rất khó khăn khi nhà có 5 người thì mẹ và 3 người con đều mắc bệnh xương thuỷ tinh, Thanh Thảo là chị cả của 2 đứa em. Cuộc sống thêm phần chật vật khi cả 4 người trong gia đình không thể làm việc nặng vì hễ đụng một tí là xương gãy, mà một khi đã gãy thì phải mất vài tháng trời mới có thể bình phục.

Đôi vai người cha vì thế ngày càng nặng gánh khiến cho Thanh Thảo thêm phần suy tư, trĩu nặng. Không có nghề nghiệp, sức khoẻ lại yếu nên Thảo chỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ nấu cơm, quét nhà, nhặt rau và chăm sóc cho người em trai không thể đi lại, phải ngồi xe lăn.

 

Năm 2011, khi đang học lớp 9 thì bị gãy chân, đây là lần thứ 3 và đây cũng là lúc Thanh Thảo biết mình mắc bệnh "xương thuỷ tinh". Từng xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi vẽ “Vì chất độc màu da cam” do phường Nguyễn Trãi (TP. Kon Tum) tổ chức nhưng khi biết tin mình mắc căn bệnh quái ác ấy, ước mơ trở thành họa sĩ của cô bé đang tuổi ăn tuổi lớn như Thanh Thảo sụp đổ.

Cô gái nhỏ bé luôn mặc cảm, tự ti, sống cách biệt với bạn bè vì em nghĩ rằng bệnh "xương thủy tinh" ấy dường như đã cướp mất tương lai và ước mơ của mình.

Tuy nhiên, cuộc đời của Thanh Thảo đã rẽ sang trang mới khi đầu năm 2016, hoạ sĩ Kiều Đăng - chủ phòng tranh gạo Làng Hồ (số 155, đường Bắc Kạn, phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum) biết đến hoàn cảnh và ước mơ của em nên đã đến nhà động viên Thảo tới phòng tranh của mình để học nghề, tiếp nối ước mơ nghệ thuật còn dang dở.

Cảm kích tấm lòng của cô chủ phòng tranh, Thảo đã mạnh dạn bước ra khỏi "vỏ ốc" của mình. “Khi bắt đầu đến với phòng tranh học việc, chị Kiều Đăng đã hỗ trợ và giúp đỡ nuôi mình rất nhiều. Chị đã bán tranh và vận động thêm một số nhà hảo tâm giúp đỡ để mình có chiếc xe đạp điện thuận tiện hơn trong việc đi lại", Thanh Thảo tâm sự.

Với năng khiếu vốn có cùng với ước mơ cháy bỏng làm hoạ sĩ, Thanh Thảo đã tiếp thu bài rất nhanh và thể hiện khả năng ngay từ những ngày đầu học việc. Những bức tranh gạo được thực hiện từ tài năng, tâm huyết của cô gái "xương thủy tinh" toát lên vẻ hồn nhiên, trong trẻo khiến nhiều người bất ngờ.

Đặc biệt, những bức tranh về con người, thôn làng, các hoạt động thường nhật hay cả lễ hội được Thanh Thảo thể hiện rất sắc sảo nhưng không mất đi sự tinh tế. Từng mái nhà rông, lễ hội hay hoạt động gặt lúa trên nương, buôn bán đều được đưa vào tranh.

 

Tranh gạo của Thanh Thảo được rất nhiều du khách yêu thích bởi khi ngắm tranh của cô, họ không chỉ hiểu mà còn cảm nhận được sự mộc mạc, bình yên của con người và vùng đất Tây Nguyên.

Để làm ra một bức tranh gạo cần sự khéo léo và tỉ mỉ từ công đoạn chuẩn bị đến các bước thực hiện. Trước tiên, Thanh Thảo sẽ phác họa ra giấy rồi mới tỉ mỉ gắn từng hạt gạo theo đúng cách phối màu đã được hướng dẫn.

Khâu khó nhất của nghệ thuật làm tranh gạo là phối màu cho bức tranh. Người làm tranh gạo sẽ lấy gạo theo tông màu, quệt một lớp keo dính phía dưới rồi đính gạo lên trên. "Làm tranh gạo cần độ tỉ mỉ cao, phải đứng rang gạo hàng giờ đồng hồ bên bếp lửa để tạo màu cho hạt gạo. Tuỳ màu sắc mà thời gian rang gạo khác nhau", Thanh Thảo chia sẻ.

Sau 2 năm học nghề, Thanh Thảo đã tự sáng tác nhiều loại tranh khác nhau như tranh chân dung, phong cảnh. Nhận thấy tài năng và tâm huyết của Thanh Thảo, hoạ sỹ Kiều Đăng đã giao hẳn phòng tranh cho em quản lý.

Cũng từ đây, phòng tranh Làng Hồ đã trở thành nơi "nối nhịp" ước mơ khi Thanh Thảo dạy lại nghề cho nhiều hoàn cảnh khó khăn là các em nhỏ đến từ những làng đồng bào dân tộc thiểu số như Y Chang, Hơ Y Khảo..., giúp họ có công việc để kiếm thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống.

Từ khi được học nghề tranh gạo, Thanh Thảo ý thức rất cao về nghề nghiệp và xác định rõ mục tiêu phấn đấu của mình. Hàng ngày, cô gái "xương thủy tinh" vẫn luôn miệt mài học hỏi, trau dồi thêm kỹ năng, kinh nghiệm để vượt lên chính mình thực hiện ước mơ làm hoạ sỹ.