Thứ năm, 02/05/2024 14:02
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ sáu, 01/10/2021 09:01

Kết luận thanh tra Trường CĐ Y - Dược ASEAN: Nhiều sai phạm trong tuyển sinh, đào tạo

Nhiều sai phạm trong công tác tuyển sinh, đào tạo tại trường CĐ Y Dược ASEAN đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) ban hành kết luận.

Trường Cao đẳng Y Dược ASEAN là trường tư thục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phép thành lập theo Quyết định số 5724/QĐ-GD&ĐT ngày 13/12/2010. Sau đó, đổi tên thành trường trường Cao đẳng Y Dược ASEAN theo quyết định 134/QĐ-LĐ-TB&XH ngày 7/2/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Chỉ rõ nhiều sai phạm

Năm 2020, Tổng Cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đã ban hành kết luận thanh tra số 474/KL-TCGDNN về việc chấp hành pháp luật về Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của trường CĐ Y Dược ASEAN. Theo đó, nhiều sai phạm trong công tác tuyển sinh, đào tạo tại trường CĐ Y Dược ASEAN đã được “vạch trần”.

van ban

Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại Trường CĐ Y - Dược ASEAN

Cụ thể, theo kết luận liên tiếp trong 3 năm học từ 2017-2019 nhà trường không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên và Bộ LĐ-TB&XH theo hướng dẫn tại công văn số 205/LĐ-TB&XH-TCGDNN và điều 24 của thông tư số 05/2017/TT-LĐ-TB&XH.

Đối với ngành điều dưỡng đào tạo trình độ Cao Đẳng, nhà trường tuyển sinh vượt quá 10% so với quy mô tuyển sinh được Tổng cục GDNN cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN.

Báo cáo từ năm học 2017, trường tuyển sinh 634/400 sinh viên học ngành điều dưỡng trình độ cao đẳng và 6 sinh viên học hệ chính quy (vượt quá 234 sinh viên, chiếm 58,5% so với quy mô được cấp).

Về hồ sơ tuyển sinh của người học liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo hình thức đào tạo chính quy. Tại thời điểm thanh tra, nhà trường đã có nhiều sai sót, đặc biệt trong việc cung cấp văn bằng tốt nghiệp để học từ liên thông trung cấp lên trình độ cao đẳng và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương.

Cụ thể, có 365/1.432 sinh viên không đủ điều kiện học 2 ngành nghề Dược và Điều dưỡng đào tạo từ trình độ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng theo điểm a, khoản 2 điều 5 Thông tư số 27/2017 TT-BLĐTB&XH và công văn số 5828/BYT-K2ĐT ngày 28/7/2016 của Bộ Y tế về việc đào tạo Y sỹ chuyển đổi sang điều dưỡng. Tuy nhiên, nhà trường vẫn xét duyệt trúng tuyển và tổ chức đào tạo cho sinh viên học 2 ngành nêu trên, là không đúng quy định.

Tiếp đó, có 35/1432 sinh viên học không có bản sao bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 5, thông tư số 27/2017/TT-BLĐTB&XH.

Như vậy, theo kết luận nhà trường có 400 người học không đủ điều kiện học 2 ngành nghề Dược và điều Dưỡng đào tạo liên thông từ trung cấp lên hệ Cao đẳng.

Nhưng thời điểm thanh tra nhà trường đã báo cáo thi và xét tốt nghiệp xong hệ cao đẳng cho 366/400 sinh viên 2 ngành nêu trên năm 2017.

Empty

Trụ sở Trường Cao đẳng Y- Dược ASEAN tại Phạm Văn Đồng, khu đô thị Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Về công tác tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp cho người học 2 ngành Dược và Điều dưỡng liên thông từ trình độ trung cấp lên Cao đẳng theo hình thức đào tạo chính quy. Nhà trường báo cáo có 1.390 sinh viên do nhà trường tuyển từ năm học 2017 cho hai ngành nêu trên, tuy nhiên theo kết luận thời điểm thanh tra trường không cung cấp được các hồ sơ, biểu mẫu, sổ sách quản lý liên quan theo quy định…

Bên cạnh đó, đoàn thanh tra đã đình chỉ tổ chức hoạt động GDNN đối với việc tổ chức đào tạo 562 sinh viên /8 lớp học 2 ngành (Dược và Điều Dưỡng) trình độ cao đẳng tại địa điểm đào tạo ngõ 643 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội của trường CĐ Y –Dược ASEAN. Lý do là nhà trường không được TC GDNN cấp phép, không đủ hồ sơ tài liệu chứng minh theo quy định.

Trên cơ sở đó, đoàn thanh tra đã đưa ra biện pháp bảo đảm, yêu cầu Nhà trường chấm dứt ngay việc tổ chức đào tạo đối với 562 dinh viên /8 lớp học 2 ngành Dược, Điều dưỡng tại địa điểm nêu trên.

Trước những sai phạm được chỉ ra, đoàn Thanh tra đã yêu cầu Nhà trường nghiêm túc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường, và tổ chức cá nhân liên quan đến việc báo cáo không chính xác số liệu tuyển sinh, tổ chức đào tạo các nghành, nghề cao đẳng…

Về các biện pháp xử lý, thanh tra đã yêu cầu đình chỉ tổ chức hoạt động GDNN đối với việc tổ chức đào tạo 562 sinh viên/ 8 lớp 2 ngành học Dược và Điều dưỡng tại địa điểm 643 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Về xử phạt vi phạm hành chính: Ngày 26/12/2019 TC GDNN đã ban hành Quyết định 1668/QĐ-TCGDNN về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GDNN đối với trường CĐ Y –Dược ASEAN. Cụ thể, không đăng ký bổ sung hoạt động GDNN khi mở địa điểm đào tạo tại công ty CP đầu tư phát triển giáo dục TDS Việt Nam (tại địa chỉ 643 Phạm Văn Đồng, P Cổ Nhuế 1, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để tuyển sinh đào tạo 562 sinh viên/ 8 lớp đào tạo 2 ngành Dược và Điều dưỡng trình độ đào tạo Cao đẳng ngoài địa điểm được giấy phép. Hình thức xử phạt tiền, với mức xử phạt 20 triệu đồng cho mức vi phạm nêu trên.

Xử phạt 20 triệu đồng đối với việc tuyển sinh 400 sinh viên học 2 ngành nghề Dược và điều dưỡng đào tạo liên thông từ hệ trung cấp lên trình độ Cao đẳng theo hình thức chính quy (người học có bằng trung cấp không cùng nghành nghề liên thông từ trung cấp lên cao đẳng… không đúng đối tượng tuyển sinh 2 ngành Dược và điều Dưỡng).

Tiêu hủy tài liệu

Theo kết luận thanh tra, về tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp cho hai ngành học Dược và Điều dưỡng theo hình thức liên thông từ trình độ trung cấp lên Cao đẳng hệ chính quy. Theo đó, 1.390 sinh viên do nhà trường tuyển sinh từ 2017, nhà trường đào tạo theo phương thức tích lũy tín chỉ quy định tại Thông tư 09/2017/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH (có 27 sinh viên thôi học, bỏ học).

Tuy nhiên, khi thanh tra nhà trường không cung cấp được cho đoàn thanh tra Tổng cục GDNN các hồ sơ, biểu mẫu, danh sách quản lý đào tạo có liên quan theo quy định phải lưu trữ vĩnh viễn, lưu trữ ít nhất 10 năm, ít nhất 5 năm và ít nhất 1 năm kể từ sau khi Hiệu trưởng ký quyết định công nhận tốt nghiệp cho 1363 sinh viên theo quy định tại điều 18, Thông tư số 09/2017/TT BLĐTBXH. Đặc biệt chú ý trong kết luận thanh tra nêu Nhà trường báo cáo đã tiêu hủy các tài liệu này.

Trường CĐ Y –Dược ASEAN không có các hồ sơ tài liệu phải lưu trữ ít nhất 10 năm kể từ ngày Hiệu trưởng Nhà trường ký quyết định công nhận tốt nghiệp cho 1.363 sinh viên theo quy định tại khoản 2, điều 18, Thông tư 09/2017/TT BLĐTBXH, lí do không có là nhà trường tự tiêu hủy.

Các hồ sơ gồm: hồ sơ giảng dạy, kế hoạch thi, lịch thi, các biên bản họp, thi kết thúc môn học, phiếu nộp bài thi có chữ ký của cán bộ, học sinh, sinh viên (1.363 sinh viên/19 lớp học 2 ngành Dược và Điều dưỡng). Ngoài ra bảng điểm từng môn học…thì hồ sơ lưu quy định lưu trữ 5 năm, hay hồ sơ lưu quy định lưu 1 năm nhà trường cũng không có khi thanh kiểm tra…?

Ngày 3/10/2019 Trường CĐ Y-Dược ASEAN đã lấy căn cứ ra Quyết định 127/QĐ-YD.ASEAN ngày 5/7/2019 về việc ban hành quy định về quản lý hồ sơ, tài liệu đào tạo và Quyết định 174/QĐ-YD.ASEAN ngày 17/9/2019 về thành lập hội đồng xét tiêu hủy tài liệu đào tạo năm 2019 để ban hành Quyết định số 186/QĐ-YD.ASEAN về việc hủy tài liệu đào tạo năm 2019.

Tiếp theo đó, trong thời gian chóng vánh, ngày 3/10/2019 Tổ tiêu hủy tài liệu năm 2019 của nhà trường tổ chức họp và tiến hành hủy các loại văn bản, tài liệu liên quan đến việc tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp của 1.363 sinh viên/19 lớp Dược và Điều dưỡng đã nêu (khóa học 2017-2019), điều này thanh tra đã chỉ rõ vi phạm theo Thông tư số 09/2017/TT BLĐTBXH và khoản 5 điều 13 Luật Thanh tra. Khi tiêu hủy xong thanh tra yêu cầu trường cung cấp hình ảnh, video, hình thức tiêu hủy, đốt, cắt, xén…trường cũng không cung cấp được.

Từ những bất thường mà đoàn thanh tra chỉ ra, cho thấy có nhiều bất thường mà chưa được làm sáng tỏ?

Còn tiếp...

Liên quan đến công tác đào tạo, tuyển sinh, cấp văn bằng, thời gian quan Cơ quan ANĐT (Bộ Công an) xác định, trong quá trình tổ chức tuyển sinh, đào tạo hệ văn bằng 2 tiếng Anh, đầu năm 2018, Trần Khắc Hùng chỉ đạo Ban giám hiệu và nhân viên Trường ĐH Đông Đô làm các thủ tục cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy cho các cá nhân không qua đào tạo theo quy định. Căn cứ vào các tài liệu thu giữ, Cơ quan ANĐT xác định Trường ĐH Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng. Toàn bộ 193 bằng do Trường ĐH Đông Đô cấp cho các cá nhân đều do Dương Văn Hòa ký với tư cách là Hiệu trưởng theo sự chỉ đạo của Trần Khắc Hùng. Cơ quan điều tra đã thu giữ được 177 bằng, trong đó có 67 bản chính, 110 bản photocopy. Trong đó, Quang ký nháy (ký tắt) trên 42 bằng. Trong số 193 trường hợp được cấp bằng, chỉ có thông tin về Trường ĐH Đông Đô thu tiền của 161 trường hợp với tổng số tiền là 2,546 tỷ đồng đồng, 32 trường hợp còn lại không đủ cơ sở để xác định số tiền Trường ĐH Đông Đô đã thu.

Kết thúc điều tra vụ án, Cơ quan ANĐT (Bộ Công an) đã có văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT có quyết định hủy bỏ, thu hồi các bằng cá nhân không đúng quy định và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh do Trường ĐH Đông Đô cấp không có giá trị.

Bảo Hoàng  
Xem thêm