Hàng vạn du khách đội mưa tới Chùa Hương ngày khai hội
Ngay từ mờ sáng, dù trời có mưa nhưng đã có hàng ngàn du khách thập phương đội mưa về chùa Hương, theo ước tính sẽ có khoảng 5 vạn khách thập phương về khai hội
Hôm nay mùng 6 Tết Nguyên đán Mậu Tuất (tức 21/2/2018) Chùa Hương xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chính thức khai hội với hàng vạn du khách tới tham quan, vãn cảnh.
Ngay từ mờ sáng, dù trời có mưa nhưng đã có hàng ngàn du khách thập phương đội mưa đi đò kéo nhau về tham dự lễ khai hội. Theo dự đoán, sẽ có khoảng 5 vạn khách thập phương về tham dự ngày khai hội.
Ngay từ mờ sáng đã có hàng ngàn du khách tới chùa Hương tham quan, vãn cảnh.
Nhiều du khách trẩy hội Chùa Hương từ rất sớm để tránh ùn tắc, chen lấn.
Tới tham dự Lễ khai hội Chùa Hương năm nay có ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội, ông Đào Xuân Dũng - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, bà Bạch Liên Hương - Bí thư huyện ủy Mỹ Đức kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Lễ hội Chùa Hương, Thượng tọa Thích Minh Hiền - Trụ trì Chùa Hương kiêm Phó Ban chỉ đạo Lễ hội chùa Hương 2018.
Dù sáng sớm có mưa nhỏ nhưng hàng vạn du khách vẫn đội mưa kéo về Chùa Hương ngày khai hội.
Năm nay, sẽ có khoảng hơn 4.500 đò phục vụ du khách.
Suối Yến ngày khai hội luôn tấp nập đò xuôi ngược đưa du khách du xuân, vãn cảnh.
Theo đại diện BTC Lễ hội Chùa Hương cho biết, mùa lễ hội năm nay giá dịch vụ không thay đổi: Vé thắng cảnh 80.000 đồng/lượt, dịch vụ đò 50.000 đồng/người, gửi xe 9 chỗ trở xuống 40.000 đồng/lượt vào ban ngày, 60.000 đồng/lượt vào ban đêm, xe máy 2.000 đồng/lượt vào ban ngày, 5.000 đồng/lượt vào ban đêm.
Theo ước tính, sẽ có khoảng 5 vạn du khách về chùa Hương trong ngày khai hội.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương phát biểu tại lễ khai hội.
Trong mùa lễ hội năm nay, sẽ có khoảng hơn 4.500 đò được sơn lại đồng bộ màu xanh, được gắn biển số, trang bị phao cứu sinh và giỏ đựng rác để phục vụ du khách. Ban tổ chức sẽ không để xuồng máy, đò gắn động cơ vận chuyển khách trên suối Yến nhằm giữ gìn nét đẹp tự nhiên và không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Ban tổ chức cũng đề nghị Ban Trị sự chùa Hương không phát lộc tại lễ hội, tránh hiện tượng chen lấn, xô đẩy.
Đại diện các cấp chính quyền, sở ban ngành TP. Hà Nội về tham dự Lễ khai hội Chùa Hương 2018.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết, năm 2018 khu di tích danh thắng chùa Hương được Thủ tướng ký quyết định công nhận là di tích đặc biệt quốc gia, công tác tổ chức đã được chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. "Dù sáng sớm có mưa nhẹ nhưng sau đó thời tiết rất thuận lợi để du khách tham quan, trẩy hội", ông Hậu cho biết.
Lễ hội Chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm khi kéo dài từ tháng Giêng tới tháng Ba (Âm lịch).
Theo ông Hậu, Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương đã có kế hoạch hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền đúng nơi quy định, bố trí lực lượng trông giữ xe, phân luồng giao thông… Đối với các hộ kinh doanh dịch vụ, ban tổ chức yêu cầu phải có biển hiệu rõ ràng, cầu không quảng cáo và chế biến thực phẩm từ động vật hoang dã, không treo móc thịt các loại trước cửa hàng gây phản cảm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hàng năm, Lễ hội chùa Hương thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước tới du xuân, trẩy hội.
Trước đó, thống kê của Ban quản lý Khu Di tích Chùa Hương cho biết chỉ trong ngày mùng 3 - 5 Tết Nguyên đán Mậu Tuất đã có hơn 120 nghìn du khách thập phương về trẩy hội.
Năm 2017, Lễ hội chùa Hương đã đón khoảng 1,3 triệu lượt khách (trong đó, có khoảng 7.800 lượt khách nước ngoài). "Năm nay, dự kiến lượng du khách đổ về Chùa Hương sẽ tăng khoảng 5% so với năm ngoái", ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng BTC Lễ hội Chùa Hương nhận định.