"Đây là thời điểm thích hợp để Hà Nội thay đổi phương án phòng chống dịch"
PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để Hà Nội thay đổi phương án phòng chống dịch, tuy nhiên cần hết sức thận trọng trong việc áp dụng các biện pháp giãn cách hợp lý.
Sau ngày 6/9, Thành phố Hà Nội sẽ thực hiện phương án phân vùng 30 quận, huyện, thị xã để phòng, chống dịch Covid-19 theo đề xuất thiết lập 3 vùng "đỏ - cam - xanh" theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

Cụ thể, trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao "vùng đỏ" để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc "ai ở đâu ở đó" để khoanh vùng, truy vết, dập dịch.
Đối với các khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn "vùng xanh" điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg để tổ chức phục hồi sản xuất kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ".

Trao đổi với Gia đình Việt Nam về phương án chống dịch mới của TP. Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Hà Nội thay đổi phương án phòng chống dịch sau một tháng rưỡi giãn cách xã hội.
Theo chuyên gia này, việc tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống, tâm lý của người dân. Do đó, phương án giãn cách theo từng phần, từng khu vực là hợp lý ở thời điểm hiện nay.
"Thực hiện giãn cách theo từng phần, từng khu vực là hợp lý ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, cần nghiên cứu rất kỹ, đánh giá, phân vùng hết sức thận trọng để có thể áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hợp lý", PGS. TS Trần Đắc Phu nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý, TP. Hà Nội cần đánh giá về mức độ nguy cơ, đặc điểm dân cư, sinh hoạt và các yếu tố có thể tạo điều kiện cho dịch xâm nhập, bùng phát khi tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp.
Đặc biệt, ông cũng cho rằng chính quyền nên cân nhắc cả yếu tố di biến động của dân cư trên địa bàn vì không loại trừ khả năng người dân xuất hiện tâm lý chủ quan, muốn giải tỏa sau chuỗi ngày dài phải ở trong nhà.


"Nếu người dân chủ quan, không thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch và không kiểm soát chặt chẽ sẽ rất nguy hiểm", PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo.
Theo quy định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid 19. "Vùng đỏ" (nguy cơ rất cao) với cấp huyện là có 30% số xã trở lên có nguy cơ rất cao; 50% số xã trở lên có nguy cơ cao hoặc có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 50% số xã.

"Vùng cam" (nguy cơ cao) ở cấp huyện, có 30% số xã trở lên có nguy cơ cao nằm rải rác trên địa bàn huyện; 50% số xã trở lên ở mức độ nguy cơ hoặc có 1 xã nguy cơ rất cao; có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 20% số xã.
"Vùng xanh" (mức bình thường mới) là các địa bàn không thuộc 2 vùng nêu trên.
Như vậy, vùng có nguy cơ rất cao là "vùng đỏ" sẽ tiếp tục áp dụng chỉ thị 16 (16+) của Thủ tướng, siết chặt hơn các nguyên tắc phòng COVID-19.

Khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn "vùng xanh" áp dụng nguyên tắc chỉ thị 15 (15+) của Thủ tướng để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh... Việc thiết lập 3 vùng dựa trên nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.
Theo hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), vùng phía bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía tây, phía nam thành phố (sản xuất nông nghiệp).