Yang Bay du ký 13: Chuyện tình cảm động
Hãy một lần đến Công viên du lịch Yang Bay để biết rằng, người Raglay xưa yêu và kể chuyện tình yêu chẳng khác các dân tộc anh em của mình là mấy.
Tương truyền, ngày xưa trên đỉnh núi Ya Kang có rất nhiều tảng đá nhẵn và bằng phẳng như bàn cờ.
Thời ấy, nhà Trời và trần gian rất gần nhau nên Ngọc Hoàng và các nàng tiên trên tiên giới thường xuống dạo chơi, thưởng lãm sắc hoa núi, mở tiệc múa hát, đánh cờ, uống rượu dịp đầu xuân.
Hoạt cảnh ngoài trời "Huyền thoại Yang Bay". Ảnh: Quốc Thắng
Trong số tiên nữ có nàng Tiên út xinh đẹp, tài hoa, luôn được vua cha cưng chiều nên thích làm theo ý mình, thường tách ra, cải trang thành thôn nữ, đi vào bản làng và được ông bà Cau Phú nhận làm con nuôi.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, nàng đem lòng yêu chàng trai trong bản tên là Cau Sơn. Ngọc Hoàng biết chuyện nên tìm mọi cách ngăn cấm, quyết đưa nàng trở về tiên giới nhưng nàng nhất quyết ở lại sánh duyên cùng với Cau Sơn.
Ngọc Hoàng tức giận hoá phép biến Cau Sơn thành đá để khiến nàng trở về trời, nhưng nàng quyết ở lại canh giữ tượng chồng, hái rau, bắt cá sống qua ngày và nuôi con khôn lớn.
Tiết mục múa tái hiện truyền thuyết tại Công viên du lịch Yang Bay
Ngọc Hoàng cho rằng trần gian dám giữ nàng Tiên út ở lại làm dâu con nên trừng phạt bằng cách không cho giọt nước nào rơi xuống trần gian. Trời làm nắng hạn, tất cả sông suối, hồ ao đều khô cạn, sự sống của muôn loài bị đe dọa.
Các loài thú bèn tập hợp nhau lại quyết định đi tìm nguồn nước bằng cách đào hố, khoét sâu vào lòng đất nhưng vẫn không tìm thấy nước để cứu muôn loài, mọi cố gắng đều bất thành; rất nhiều con thú bị kiệt sức, đói khát mà chết.
Tượng cóc ở hồ Tịnh Tâm. Ảnh: Trang Hà
Đang lúc hoang mang và thất vọng, bỗng nhiên có hai mẹ con nhà cóc xuất hiện, ngày ngày cóc mẹ cứ nhảy qua những cái hố mà các loài thú đào, vừa nhảy vừa kêu lên ai oán, cầu xin mưa cho đến khi kiệt sức mà chết. Cóc con chờ mãi không thấy mẹ về cũng kêu khóc thảm thiết rồi chết theo.
Biết chuyện, Ngọc Hoàng vô cùng ân hận và cảm động trước sự hy sinh của mẹ con nhà cóc, cũng như tấm lòng chung thủy của nàng Tiên út nên đã cho mưa suốt 49 ngày đêm.
Những chú cóc bằng gỗ trên kệ hàng lưu niệm. Ảnh: Trang Hà
Nước tràn về lấp đầy các hố lớn nhỏ mà các loài thú đã đào rồi tràn xuống tạo thành hai dòng thác. Nước chạm vào xác của hai mẹ con nhà cóc làm chúng lớn lên hàng vạn lần và hóa đá. Nước chạm vào tượng đá Cau Sơn khiến chàng sống lại và đoàn tụ với mẹ con nàng Tiên út.
Để tưởng nhớ mẹ con nhà cóc, người đời gọi dòng thác lớn chảy xuống nơi cóc mẹ nằm là thác Yang Bay (nước trời) và dòng thác nhỏ nơi cóc con nằm là Yang Khang (con trời).
Thác Yang Bay (nước trời). Ảnh: Quốc Thắng
Thác Yang Khang (con trời). Ảnh: Trang Hà
Dòng thác nơi nàng Tiên út cõng con đi qua mỗi ngày được gọi là Ho Cho (thác mẹ) vì cuối dòng thác chia thành hai dòng được ví như hai dòng sữa mẹ; trong đó, một dòng hòa vào mạch nước khoáng nóng.
Thác Ho Cho (thác mẹ). Ảnh: Quốc Thắng
Một trong "hai dòng sữa mẹ" ở cuối nguồn thác Ho Cho. Ảnh: Trang Hà
Người dân cho rằng do nàng Tiên út kê đá nấu cơm bằng nước trời nên mới sinh ra mạch nước khoáng nóng này.
Hồ nguồn, nơi mạch khoáng nóng sủi lên. Ảnh: Trang Hà
Trang Hà