Vợ tôi là nhà báo "giao thông"

Lấy vợ nhà báo có nhiều tự hào nhưng cũng nơm nớp lo sợ, bởi đối với những phóng viên báo ảnh liều lĩnh thì tai nạn có thể ập đến bất ngờ.

Trước đây, khi lấy Phượng tôi cũng chưa lường trước được những hiểm nguy mà cô ấy sẽ phải đối mặt. Phượng làm phóng viên tin ảnh mảng giao thông của một tờ báo điện tử.

Theo như cô ấy nói thì công việc khá đơn giản, chỉ là chụp những bức ảnh liên quan đến những vụ việc va chạm hay ùn tắc giao thông để cập nhật thông tin nhanh nhất lên báo. Nói chung là là vác máy ảnh đi “lang thang” và chụp, đăng báo.

Vợ là phóng viên ảnh giao thông khiến chồng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ (ảnh mang tính minh họa)

-> “Khi vợ là tay, là chân, nếu mất cô ấy thì sẽ rất đau”

Cho đến một hôm, tôi đang di chuyển trên con đường trên cao về hướng Thanh Trì thì thấy một đám khói lớn bốc lên. Tôi đoán có thể đó là một đám cháy xuất phát từ tòa nhà cao tầng nằm ven quốc lộ vành đai. Tuy nhiên, các phương tiện bắt đầu di chuyển chậm lại và gần như chỉ còn nhích được từng centimet.

Tắc đường. Khói mù mịt phủ một lớp lên toàn bộ đoạn đường với những chiếc xe nối đuôi nhau. Một vài người thò đầu ra cửa xe với tâm trạng lo lắng. Sự nhốn nháo bắt đầu khi đám khói có vẻ ngày càng dày hơn. Tôi dừng xe, bước hẳn ra ngoài xem có chuyện gì, trong lòng cũng có chút hoảng loạn. Thế nhưng sự việc tắc đường hay đám khói bao phủ chưa là gì so với những gì tôi nhìn thấy ngay sau đó.

Trên nóc một chiếc xe con, vợ tôi đang đứng thẳng và cầm máy ảnh chĩa về phía trước say sưa chụp, bấm, bất chấp nếu những chiếc xe phía sau chẳng may húc vào đuôi xe là cô ấy có thể ngã nhào xuống đường.

Tôi hốt hoảng hét lên: “Phượng, em làm gì đấy, xuống mau”. Nhưng cô ấy chẳng hề nghe thấy, cứ cầm máy ảnh lia tứ phía. Điều tôi lo sợ cũng đã xảy ra ngay sau đó cô ấy trượt chận ngã nhào. Tôi vội vã lao lên nhưng phải gần 5 phút mới đến được hiện trường. Kết quả là vợ tôi ngã gãy tay phải vào viện bó bột.

Từ hôm ấy, tôi mới thấy hết sự liều lĩnh của vợ. Nghe đồng nghiệp của cô ấy kể lại, vợ tôi thường xuyên ngồi sau xe máy của đồng nghiệp với tư thế quay ngược lại để quay phim chụp ảnh, có nhiều lần còn di chuyển trên đường cao tốc và đuổi theo xe cảnh sát khi họ truy đuổi những phương tiện giao thông vi phạm. Chả thế mà mỗi khi ngồi sau xe máy của vợ, tôi muốn đứng tim vì cô ấy đi nhanh và lạng lách như một tay đua thứ thiệt.

Từ sau khi chứng kiến cú ngã “bá đạo” của vợ hôm ấy, lúc nào tôi cũng trong tâm trạng nơm nớp lo sợ mỗi khi cô ấy đi làm. Sau hôm ngã gãy tay, vợ tôi chịu để tôi chở đi làm và đón về. Tôi ra sức thuyết phục cô ấy bỏ nghề báo hoặc xin làm ở một mảng nào đó đỡ nguy hiểm hơn, nhưng cô ấy bảo: “Nguy hiểm không ai làm thì làm sao phản ánh được hết tình trạng giao thông. Anh không biết là nhờ em đăng bài mà bao nhiêu vấn nạn giao thông được giải quyết à?”. Nghe cô ấy nói cứ như thể cô ấy đang cứu thế giới.

Biết là không thể dập tắt đam mê của vợ với việc cô ấy làm, nhưng tôi cũng không thể ủng hộ vợ, chỉ còn biết trang bị cho cô ấy mũ bảo hiểm loại tốt, kiểm tra phanh xe cho cô ấy thường xuyên và luôn sẵn sàng chở vợ đi tác nghiệp nếu cô ấy cần và phải dùng thuốc trợ tim nếu có cuộc điện thoại lạ gọi tới.

Có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều ông chồng có vợ làm nghề báo cũng ở trong tình trạng “sống chung với lũ” như thế này.

Bài ghi theo lời kể của một Nhà báo tại Tp.HCM

Video Thầy giáo cầu hôn nữ sinh