Vietnam Airlines cố gắng chỉ lỗ 9.335 tỷ đồng trong năm 2022

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho rằng, số lỗ mục tiêu 9.335 tỷ đồng trong năm nay "đã là một cố gắng" của doanh nghiêp.

Lý giải về con số này tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ông Hiền nhấn mạnh, nhiều yếu tố tiêu cực đang ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngành hàng không, trong đó đặc biệt là giá nhiên liệu.

Cụ thể, năm 2021 giá Jet A1 bình quân cả năm là 72 USD/ thùng. Năm 2022 hãng xây dựng kịch bản bình quân 6 tháng đầu năm là 116 USD/thùng, bình quân năm 2022 là 138 - 140 USD/thùng, gấp 2 lần so với năm 2021. Tuy nhiên, ngày 28-6 giá nhiên liệu đã lên trên 162 USD/thùng.

Nếu mức giá này không thay đổi cho đến cuối năm, dự kiến chi phí của Vietnam Airlines bị độn thêm 4.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có các yếu tố tiêu cực khác như tỷ giá, lãi suất, xung đột giữa Nga và Ukraine, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát… Chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc hay chính sách mở cửa từ các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng góp phần bào mòn lợi nhuận của ngành hàng không, theo lãnh đạo Vietnam Airlines.

Do đó, trong năm 2022, Vietnam Airlines đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ đạt 45.252 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn có kế hoạch lỗ ròng 9.335 tỷ đồng.

2022 báo hiệu một năm kinh doanh bết bát của VNA. (Ảnh: Vietnam+)

Theo đại diện Vietnam Airlines, với các nguyên nhân đã phân tích thì số lỗ mục tiêu 9.335 tỷ đồng của doanh nghiệp "đã là một cố gắng, khá khiêm tốn và tích cực". Hãng cho biết, đã xây dựng đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, bao gồm tổng thể về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hãng sau đại dịch theo yêu cầu của Chính phủ.

“Đề án đã được báo cáo cấp thẩm quyền và kỳ vọng sớm được Chính phủ xem xét phê duyệt các giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ của Chính phủ với tư cách chủ sở hữu 86% vốn của Vietnam Airlines để hãng thoát khỏi tình trạng khó khăn, âm vốn chủ sở hữu và nguy cơ lỗ 3 năm liên tiếp", ông Hiền cho biết.

Thực tế hiện nay, Vietnam Airlines đang lỗ luỹ kế đến 1 tỷ USD. Năm ngoái, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dương 507 tỷ đồng là nhờ được Quốc hội thông qua gói giải cứu 12.000 tỷ đồng. Cũng trong năm này, tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines giảm 30% so với năm trước đó (chỉ đạt hơn 29.700 tỷ đồng). Nhờ khoản lãi 117 tỷ đồng từ thoái vốn tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6, Campuchia), bù đắp một phần chi phí, nên lỗ hợp nhất trước thuế của hãng chỉ hơn 12.900 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2021, nợ của Vietnam Airlines trên 52.767 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Các khoản mục tăng chủ yếu do tăng các khoản phải trả nhà cung cấp quá hạn và các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Nợ quá hạn của VNA là hơn 15.700 tỷ đồng.