Thẻ tín dụng: Đầy quyền năng và ‘ma lực’ tài chính

Thẻ tín dụng vừa giúp "mua trước trả sau", luôn có nguồn tiền để dành cho khi khẩn cấp, nhưng đồng thời cũng có “ma lực” lôi kéo người dùng liên tục chi tiền, nguy cơ thành "nô lệ" của việc mua sắm.

Lợi ích "rõ mồn một"

Theo số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Thẻ, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng do gần 40 tổ chức phát hành. Tiêu chuẩn để sở hữu một chiếc thẻ tín dụng là không quá khó. Chỉ cần chứng minh thu nhập ổn định là bạn có thể gia nhập vào nhóm người chi tiêu phong cách “quẹt thẻ”.

Anh Trịnh Thanh Tùng (24 tuổi), chuyên viên kinh doanh của một ngân hàng, cho biết thẻ tín dụng như một công cụ cứu nguy những lúc cuối tháng. “Đôi khi các bạn bị chậm lương hoặc không có sẵn tiền, việc dùng thẻ tín dụng vô cùng tiện lợi, thậm chí nếu thanh toán trước hạn bạn cũng không mất phí lãi suất nào cả”, anh Tùng cho biết.

Cũng sở hữu thẻ tín dụng, nhưng chị Văn Mai Hương (30 tuổi, làm nghề kế toán ở Hà Nội) lại bị chiếc thẻ này “mê hoặc” bởi những ưu đãi rất hời cho việc mua sắm, mua vé máy bay, ăn uống… Có tháng, chị Hương đã "xuống tay" tới 20 triệu đồng để mua sắm đồ dùng trong nhà qua các đợt săn sale, canh mã ưu đãi.

“Ngoài việc được giảm giá lên tới 40% trong mỗi lần mua sắm, thanh toán online qua thẻ tín dụng cũng được hoàn tiền nên rất hữu ích với mẹ bỉm sữa như mình. Năm vừa rồi tính ra mình được hoàn tới 10 triệu nhờ mua sắm với thẻ tín dụng”, chị Hương hào hứng kể.

Thẻ tín dụng đã khẳng định quyền uy về tiện ích nhưng cũng là nguy cơ mất kiểm soát tài chính nếu người dùng thiếu kỹ năng. (Ảnh: Baodautu)

Phân tích về vấn đề này, các chuyên gia tài chính cho rằng, nhiều loại thẻ tín dụng có những tính năng, ưu đãi khác nhau để phù hợp với nhu cầu của từng nhóm khách hàng như tỷ lệ hoàn tiền, tích lũy điểm thưởng, đổi tặng quà giá trị… đã và đang tạo ra thói quen chi tiêu mới ở nhiều người. Nhiều nhu cầu như ăn uống, đi siêu thị hoặc trả tiền điện, tiền nước vốn chiếm tỷ trọng khá nhỏ trước đại dịch, nhưng qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đã tăng trưởng mạnh mẽ các giao dịch thanh toán qua thẻ tín dụng.

Đối mặt nguy cơ vòng xoáy nợ nần

Theo nghiên cứu của Công ty cung cấp dữ liệu Dun&Bradstreet, một người có xu hướng tiêu nhiều hơn 12% - 18% khi sử dụng thẻ tín dụng thay vì tiền mặt. Bởi khi thanh toán bằng tiền mặt, việc bạn không đủ tiền có sẵn khi mua một món đồ cũng giúp bạn kiềm chế cảm xúc, hoặc giá trị món đồ quá đắt đỏ cũng khiến bạn ngần ngại khi rút ví. Tuy nhiên, khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán cho các món hàng trên, tuy cảm giác sẽ rất "êm ái" chính là cám dỗ rất lớn.

Ngoài ra, một số lỗi thường gặp của người sử dụng thẻ tín dụng dễ lâm vào cảnh nợ nần như: Thanh toán muộn, tự ý ngừng dùng thẻ mà quên theo dõi số dư nợ hay rút tiền mặt bằng thẻ….

Chưa kể, vấn đề bảo mật của thẻ tín dụng cũng là yếu tố khiến nhiều người quan ngại khi sử dụng chiếc thẻ đầy quyền năng này. Để lộ mã số bảo mật (số CVV/CVC2), mua sắm tại các trang web giả mạo, thiếu uy tín hay bất cẩn khi thanh toán trên hệ thống POS là những nguyên nhân khiến khách hàng phải gánh những khoản nợ “từ trên trời rơi xuống”.

Anh Nguyễn Minh Đức (quê Thái Bình) kể một trải nghiệm nhớ đời khi đột nhiên bị trừ gần 10 triệu qua thẻ tín dụng: “Thẻ đó mình rất ít khi sử dụng cho đến một ngày nhận được tin nhắn báo mình vừa giao dịch gần chục triệu trên Agoda. Rất may mình vẫn cài đặt tin nhắn và kiểm tra kịp thời để tra soát với ngân hàng và báo khóa thẻ trước khi quá muộn”.

Các lỗi này đều khiến người dùng trả giá bằng rất nhiều tiền, từ phí trả chậm, lãi suất cho đến "7749" các loại phí khác nếu không thường xuyên theo dõi, kiểm tra dư nợ.

Do đó, theo The Financial Express, để thẻ tín dụng không trở thành một gánh nặng, trước tiên bạn nên chọn thẻ tín dụng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Ví dụ, nếu bạn là một người yêu thích du lịch hoặc đặc thù công việc phải đi công tác, di chuyển nhiều, hãy chọn thẻ tín dụng du lịch để nhận các ưu đãi về khách sạn, vé máy bay.

Ngoài việc thanh toán đúng hạn, người dùng cũng được khuyên không nên sử dụng nhiều hơn 3 thẻ tín dụng, bởi không chỉ tăng nguy cơ rủi ro mà còn dẫn đến việc vỡ nợ nếu chi tiêu vượt qua khả năng thanh toán. Thẻ tín dụng có thể khiến bạn "điêu đứng" về tài chính nếu dùng không đúng cách, nhưng cũng có thể là một công cụ tối ưu hóa dòng tiền nếu bạn biết tận dụng nó.