Những phận đời sống nhờ bãi rác

Nguy cơ bệnh tật chực chờ, đe dọa nhưng vì cuộc sống mưu sinh, những người phụ nữ này đã chọn bãi tập kết rác huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị làm nơi kiếm ăn hàng ngày.

Một ngày đầu năm 2022 khi tiết trời lạnh giá chúng tôi theo chân những chiếc xe tải đến bãi tập kết rác nằm bên đường Hồ Chí Minh nhánh Bắc, cách trung tâm huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) chừng 7km. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một núi rác khổng lồ tiết ra một mùi hôi thối và thứ nước đen ngòm, đầy ruồi nhặng, dòi bọ. Trên núi rác ấy có gần chục người đang miệt mài lượm những thứ người ta bỏ đi để cho vào bao.

Nhiều phụ nữ chọn việc bới rác làm kế mưu sinh nuôi sống gia đình suốt nhiều năm qua

Mỗi lần xe rác về là tất cả lao vào cào, bới, móc, thu lượm những chai, lọ, sắt vụn rồi phân loại... Mọi sinh hoạt của họ gắn liền với bãi rác, đến cả bữa cơm cũng được bày ra ngay bãi rác giữa không khí nồng nặc mùi hôi thối. Công việc đòi hỏi họ phải "đắm mình" trong rác, hít hà mùi hôi thối, tiếp xúc với chất độc hại nhưng thu nhập của họ lại không đáng là bao.

Suốt 3 năm bới rác tìm phế liệu tại bãi tập kết rác, chị N.T. B chia sẻ, gia đình chị đã nghèo, nhà chồng còn nghèo hơn. Bản thân chồng chị không được nhanh nhẹn nên việc lớn việc nhỏ đều một tay chị lo liệu. Lúc trước, chị đi cắt lúa, trồng thủy sản cho người khác. Khi có gia đình, vì một số lí do nên chị chọn việc nhặt phế liệu làm công việc mưu sinh.

“Tôi cũng muốn đi làm gì đó để có thu nhập khá hơn nhưng con đông, không ai trông giữ nên cứ bám lấy bãi rác này để sống trong nhiều năm nay”, chị B. cho biết

Từ sáng đến tối họ phải đứng trên đống rác bốc mùi hôi thối nồng nặc để tìm kiếm các chai lọ, nhôm, nhựa mang bán kiếm tiền

Từ sáng đến chiều tối, chị B. phải vật lộn với hàng tấn rác để thu lượm chai lọ, thùng giấy... bán lấy tiền. Những vật mà người khác vứt đi như chiếu, nệm còn xài được, chị cũng không ngần ngại lấy về sử dụng.

Phần lớn những người lượm rác đều có hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp, không đất sản xuất. Mặc dù họ biết làm nghề này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vì nghèo nên họ phải bươn chải, bao giờ bệnh hẵng hay.

Dù làm việc trong môi trường cực kỳ bẩn thỉu, độc hại nhưng trang bị bảo hộ lao động của những người này lại rất sơ sài. Đó chỉ là một chiếc móc sắt, đôi găng tay cao su mỏng, đôi ủng. Đôi lúc đụng phải mảnh chai, mảnh sắt thì chuyện đứt tay là khó tránh khỏi.

Mặc dù luôn " đắm mình" trong rác, hít hà mùi hôi thối, tiếp xúc với chất độc hại nhưng thu nhập của họ cũng không đáng là bao

Đứng giữa đống rác bốc mùi hôi nồng nặc, bà Nguyễn Thị Điệp (56 tuổi) đã hơn hai chục năm sinh sống nương nhờ vào bãi rác cho biết, trước đây bà làm tại bãi rác ở thành phố Đông Hà sau này mới chuyển về đây. Gia đình khó khăn từ nhỏ, bản thân bà không có việc làm nên đành bới rác kiếm tiền lo cho cuộc sống, vì tuổi cao sức yếu nên hàng ngày bà chỉ kiếm được vài chục nghìn.

“Kiếm được nhiều thì ăn nhiều, kiếm ít thì ăn ít. Bệnh tật tới đâu hay tới đấy nhưng phải làm để kiếm tiền trước đã. Chúng tôi sống với rác quen rồi, bãi rác là nguồn sống của chúng tôi”, bà Điệp trải lòng.

Với nhiều người nghề bới rác được coi như công việc mạt cùng trong cuộc sống nhưng tại công trình xử lý rác thải tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nơi được đầu tư với tổng kinh phí 7 tỉ đồng do không có kinh phí để duy trì nên đang tạm dừng hoạt động lại trở thành nơi mưu sinh, cứu cánh cho số phận của hàng chục con người. Công việc tuy bần cùng và luôn tiềm ẩn những nguy hiểm nhưng với họ có được đồng ra đồng vào hàng ngày đó cũng là niềm hạnh phúc ít ỏi mà họ chấp nhận đánh đổi để có được.