Nguy hiểm từ hóa chất gây ung thư khó loại bỏ trên ô tô

Theo nghiên cứu mới của UC Riverside, hóa chất gây ung thư bên trong ô tô của bạn không có khả năng bị phủi hoặc xóa sạch. Thông tin này khiến nhiều người lo lắng, hoang mang.

Phát hiện này hiện đã được công bố trên tạp chí Environmental Research.

Theo đó, TDCIPP (Trisphosphate) là một chất chống cháy hóa học được sử dụng rộng rãi để làm chất chống cháy, chậm cháy, thuốc trừ sâu, chất hóa dẻo, khí gas. Các hợp chất chống cháy thường được thêm vào một số sản phẩm như đệm bọc ghế nội thất ô tô, thậm chí thảm ngủ trưa của trẻ em.

Đầu tháng 8/2014, các thử nghiệm của Đại học Duke, Mỹ, phát hiện 26 trẻ em trong nghiên cứu khi tiếp xúc với TDCIPP có liên quan ung thư và rối loạn nội tiết. Mức độ tiếp xúc của trẻ cao gấp 5 lần mức trung bình được tìm thấy ở mẹ. Đặc biệt, một bé có mức tiếp xúc cao gấp 23 lần mẹ của em.

Ảnh minh họa.

Nhóm chuyên gia kiểm tra 102 mẫu đệm ghế và phát hiện chất TDCIPP trong hơn một nửa số ghế sofa. Các nhà khoa học cũng tìm thấy vết tích của chất làm chậm cháy này trong hơn 1/3 trong số 101 ghế xe hơi, xe con, nệm di động và các sản phẩm đệm dành cho trẻ em khác được lấy mẫu.

Ngoài việc TDCIPP nằm trong danh sách những chất gây ung thư của bang California (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan của chất này với một số trường hợp vô sinh ở phụ nữ. Điều nguy hiểm là chất này có thể ngấm từ đồ đạc vào bụi.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng loại bỏ bụi có thể dẫn đến việc tiếp xúc với hóa chất thấp hơn.

Nhà nghiên cứu chất độc môi trường David Volz và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu xe điều này có đúng với nội thất xe hơi.

Họ đã mời 50 người tham gia nghiên cứu thành 4 nhóm và theo dõi trong 2 tuần. Nhóm 1, hoàn toàn không vệ sinh ô tô; nhóm 2, vệ sinh đều đặn mỗi ngày trong suốt 2 tuần; nhóm 3 và 4 chỉ vệ sinh xe 1 trong 2 tuần.

Tất cả những người tham gia đều được phát vòng đeo tay bằng silicon để đeo liên tục trong thời gian thử nghiệm kéo dài hai tuần. Cấu trúc phân tử của silicone có thể dễ dàng liên kết với các chất gây ô nhiễm trong không khí như TDCIPP.

Ảnh minh họa. 

Volz cho biết: “Ban đầu, chúng tôi đặt ra giả thuyết là nhóm vệ sinh đều đặn hàng ngày sẽ cho thấy mức TDCIPP tập trung ở vòng silicon thấp nhất. Tuy nhiên, kết quả là chúng tôi không nhận thấy có sự khác biệt giữa các nhóm”.

Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng mức độ phơi nhiễm TDCIPP chủ yếu là qua bụi nhưng kết quả của nghiên cứu chứng minh khả năng TDCIPP không phải con đường phơi nhiễm chính. Thay vào đó, nó có thể chuyển trực tiếp từ ghế ngồi ô tô sang thiết bị đeo tay ở dạng khí hoặc bình xịt.

"Bụi chắc chắn là thứ mà các hợp chất như TDCIPP gắn vào nhưng chúng ta không thể loại trừ khả năng mọi người đang hít phải những hợp chất này trực tiếp từ không khí hoặc chất này dính vào vòng silicon khi nó tiếp xúc với ghế ô tô", Volz cho hay.

Một khả năng khác là chất chống cháy đi vào qua các lỗ thông hơi từ bên ngoài, nhưng các nhà nghiên cứu không nghĩ rằng có thể xảy ra trường hợp này.

Volz nói: “Trong khi chờ đợi TDCIPP được thay thế hoàn toàn bằng chất liệu khác, bạn có thể đeo khẩu trang khi ngồi trong xe ô tô, loại N95 có lẽ là cho hiệu quả tốt nhất trong trường hợp này. Nếu TDCIPP phát tán với cơ chế qua dạng khí hoặc khí dung như virus, khẩu trang vẫn sẽ có hiệu quả ngăn ngừa, hạn chế lượng hóa chất mà bạn có thể hít phải”.

-> Phát hiện ung thư nhờ đốm lạ ở ngón chân