Người phụ nữ 22 tuổi tử vong sau khi nâng mũi: Xử lý trách nhiệm thế nào?

Luật sư cho rằng, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, có dấu hiệu tội phạm nên cần khởi tố vụ án.

Liên quan đến vụ chị Phạm Thị Diễm H. (22 tuổi, quê ở Long An) tử vong sau khi đi phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn phường Tương Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai cho biết, đơn vị đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Trước đó, ngày 14/1/2022, chị Phạm Thị Diễm H. đến cơ sở thẩm mỹ được bạn giới thiệu để nâng mũi. Một ngày sau, gia đình nạn nhân nhận được thông tin của bệnh viện Bạch Mai đề nghị đến trao đổi trực tiếp.

Sau khi nghe tin, người thân chị H. đã vượt quãng đường 1.500km từ Long An ra Hà Nội. Đến tối 17/3, người nhà nạn nhân cho biết, chị H. đã tử vong.

Chị Phạm Thị Diễm H. (22 tuổi, quê ở Long An) tử vong sau khi đi phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi (Ảnh: TL)

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, để thực hiện hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ thì cơ sở thực hiện phải đáp ứng điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (có quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy phép đầu tư, giấy phép hoạt động,…).

Do đó, phải đáp ứng điều kiện về cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực và người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ là bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng thì việc thực hiện nâng mũi cho nạn nhân không được thực hiện tại bệnh viện/phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về chuyên khoa thẩm mỹ mà lại tiến hành tại nhà dân. Bên cạnh đó người thực hiện phẫu thuật không có trình độ chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, có dấu hiệu tội phạm và cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

"Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để làm rõ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật", Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Luật sư cho rằng, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, có dấu hiệu tội phạm nên cần khởi tố vụ án.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có hành vi khám chữa bệnh trái phép gây thiệt mạng cho bệnh nhân thì sẽ khởi tố vụ án hình sự. Bác sĩ phẫu thuật, đơn vị cho thuê nhà và những người có liên quan nếu thực hiện các khâu, công đoạn trong hoạt động khám chữa bệnh gây chết người thì sẽ bị xử lý hình sự.

Đối với trường hợp người cho thuê nhà không biết về hành vi khám chữa bệnh trái phép thì sẽ không bị xử lý hình sự tuy nhiên sẽ bị xử lý hành chính về các hành vi liên quan đến cho thuê, kinh doanh không đúng quy định pháp luật.

Về việc bồi thường cho gia đình nạn nhân, luật sư Cường cho rằng, nguyên tắc thì mọi hành vi có lỗi, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Bởi vậy trong trường hợp này tổ chức, cá nhân thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho nạn nhân có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân.

Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa tiền công người chăm sóc, chi phí mai táng theo phong tục địa phương và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần khoảng 100 tháng lương tối thiểu.