Người đàn ông 38 tuổi tự nhiên sưng đau "của quý"

Bệnh nhân N.Q.T. (38 tuổi, trú tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), xuất hiện sưng đau tinh hoàn hơn 2 tháng, kèm theo sốt, người mệt mỏi.

Sau khi phẫu thuật cắt mào tinh hoàn làm giải phẫu bệnh, được chẩn đoán mắc lao mào tinh hoàn tại bệnh viện tuyến Trung ương và được tư vấn, người bệnh quyết định về điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ.

Ngay sau khi tiếp nhận các bác sĩ đã hội chẩn, đánh giá tình trạng người bệnh và chỉ định sử dụng các loại thuốc có tác dụng tối ưu nhất trong phác đồ điều trị cho người bệnh. Tại đây, người bệnh được điều trị theo phác đồ. Sau 20 ngày điều trị, sức khoẻ người bệnh đã có tiến triển tốt, đáp ứng thuốc, không sốt, đỡ mệt, ăn uống được.

Bệnh nhân được tư vấn điều trị.

BSCKI. Nguyễn Mạnh Khang – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ cho biết, vi khuẩn lao đã được biết từ lâu và gây ra nhiều bệnh lý khác nhau trên cơ thể như lao phổi, lao màng não, lao xương... Phần lớn các ca thường gặp là lao phổi nhưng vẫn có những ca nhiễm lao ở các cơ quan ngoài phổi, trong đó có lao tinh hoàn.

Vi khuẩn lao xâm nhiễm mào tinh hoàn là trường hợp lao ngoài phổi hiếm gặp, chỉ khoảng 7% tổng số ca lao. Bệnh không có triệu chứng đặc hiệu nên khó phát hiện nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Các biểu hiện của lao tinh hoàn gồm sưng đau bìu, dày da bìu, tràn dịch màng tinh hoàn.... Do đó, nam giới nên chủ động khám sức khỏe định kỳ, tầm soát lao khi có biểu hiện ho khan, khó thở, sụt cân bất thường, tránh nguy cơ bệnh xâm nhiễm đến các cơ quan khác.

Khi có các dấu hiệu bất thường ở cơ quan sinh dục, nam giới nên ngay lập tức tới cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị, tránh những biến chứng không mong muốn. Ngoài ra, nam giới nên chủ động xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, tập thể dục thể thao điều độ nhằm tăng cường sức đề kháng.