Nghề nhọc nhằn và nhiều áp lực

“Nghề báo” là nghề phải đối mặt với những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn song những ai đã trót mang nghiệp làm báo luôn sẵn sàng “dấn thân” vì nghề và họ luôn có những kỷ niệm vui, buồn trong nghề không thể nào nói hết…

Những câu chuyện trong mỗi chuyến đi, sau mỗi trang viết đã mang đến cái nhìn chân thực về công việc vất vả nhưng rất đỗi tự hào này. Nói đến sự nhọc nhằn của người làm báo không thể không kể đến những chuyến công tác trên mọi miền của Tổ quốc. Với những người cầm bút, mỗi chuyến đi, mỗi bài báo là một cuộc chiến thầm lặng, chiến đấu với hoàn cảnh, với chính bản thân mình để ngòi bút luôn trung thực, sắc sảo, phản ánh chân thực cuộc sống và đôi lúc chính mình không ý thức được những nguy hiểm đang rình rập xung quanh. Thế nhưng, sau bao nỗi nhọc nhằn trên hành trình làm nghề, những nhà báo thấy mình “được” rất nhiều.

Cái “được” ấy là sự đóng góp công sức phản ánh những sự kiện trọng đại của đất nước; là dấu chân phóng viên để lại trên nhiều nẻo đường xa xôi của Tổ quốc, những nơi đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, vất vả. Cái “được” cũng có thể là những giải thưởng lớn từ hội nghề nghiệp, lời động viên, khen ngợi của Ban Biên tập, đồng nghiệp. Nhưng với mỗi người làm báo còn có một tấm “huy chương” - một danh hiệu lớn hơn nữa đến từ độc giả.

Ảnh minh họa

Đằng sau mỗi bài điều tra, phần thưởng lớn nhất là sự vào cuộc của ngành chức năng; là sự tin tưởng của người dân khi quyền lợi chính đáng của họ được bảo vệ. Báo chí hiện đại không còn là chuyện đơn giản như xảy ra lúc nào, ở đâu, ra sao. Mà hơn thế, phải có sự tổng hợp vấn đề, xâu chuỗi sự việc, trình bày khoa học  đưa ra dự báo, định hướng dư luận để bạn đọc cảm nhận được đầy đủ bản chất thông tin.

Từng tâm sự về nghề báo, phóng viên Ngô Nhung cho biết, khi còn công tác tại báo Người Lao động, là một trong những phóng viên thường xuyên có mặt tại các điểm “nóng” tác nghiệp, truyền tải thông tin đến bạn đọc. Đặc biệt, trong 2 năm cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19, phóng viên Ngô Nhung cũng đã không ngại hiểm nguy đưa tin nhanh nhất, chân thực nhất.

Đơn cử như tại ổ dịch huyện Thường Tín, khi xuất hiện ca bệnh mắc Covid-19, nhiều lần anh cùng đồng nghiệp đã có mặt tại đây để ghi nhận, phản ánh cuộc sống người dân.

Hay khi Bệnh viện Bạch Mai phong tỏa, anh cũng là một trong những người có mặt sớm nhất để phản ánh thông tin, ghi nhận hình ảnh dỡ bỏ phong tỏa ngay trong đêm. “Từ khi có dịch, công việc yêu cầu tôi phải làm việc bất chấp thời gian, dù là sáng sớm hay nửa đêm, bất cứ khi nào cần, tôi cũng sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Dù vất vả, khó khăn nhưng niềm đam mê, sự nhiệt huyết cũng như mong muốn mang thông tin đến với bạn đọc lại thôi thúc tôi lên đường”, phóng viên Ngô Nhung chia sẻ.

Phóng viên Dương Miền (Báo Hưng Yên) cũng từng tâm sự, quãng thời gian làm báo đã cho anh nhiều trải nghiệm, những niềm vui và cả những khó khăn, vất vả của nghề. Đồng thời rèn cho mình những kỹ năng cần có của một phóng viên thời làm báo, nhất là những phóng viên trẻ bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng thuần thục, có nền tảng kiến thức chuyên môn tốt thì việc sử dụng thành thạo công nghệ sẽ góp phần quan trọng để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị về nội dung tư tưởng với cách thức thể hiện phong phú, hấp dẫn…

Nghề báo là nghề đặc thù, yêu cầu nghề nghiệp và đòi hỏi sự dấn thân của người làm nghề. Bên cạnh đó, áp lực còn đến từ tin, bài do Ban Biên tập phân công, hoặc có những bài viết mang tính thời sự được lãnh đạo chỉ định, gắn với yêu cầu hoàn thành trong thời gian tính bằng giờ. Song, nỗi vất vả và áp lực nhất có lẽ là khi nhà báo phải thực hiện một phóng sự điều tra, hay bài phản ánh một vụ việc tiêu cực nào đó…

Thực tế Việt Nam và thế giới đều có nét tương đồng ở chỗ sự an toàn của nhà báo và thân nhân của họ dễ bị các đối tượng bị nhà báo vạch trần sai phạm trước công luận đe dọa và có thể thực hiện lời đe dọa. Vinh quang gắn liền với hiểm nguy nên nghề báo là nghề chỉ dành cho những người có bản lĩnh. Nếu run sợ, không đủ can đảm dấn thân thì họ phải lùi về tuyến sau, làm một nhà báo mờ nhạt không mấy ai biết đến hoặc phải chuyển nghề khác.

Ảnh minh họa

Nhọc nhằn nhưng vinh quang. Người theo nghề báo phải biết tự hào với những vinh quang của nghề để vượt qua những nhọc nhằn vốn có. Nếu không dấn thân và không yêu nghề thì người làm báo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ và khó thành công. Nhận trách nhiệm Đảng, Nhà nước, nhân dân và xã hội gửi trao, người làm báo cũng là người chiến sỹ để mỗi khi một tác phẩm báo chí đến với bạn đọc là sự vào cuộc của cả một tập thể phóng viên, biên tập viên, đội ngũ người làm báo.

Và để có những bài báo chất lượng, mang hơi thở cuộc sống, sự quan tâm, góp ý của bạn đọc là nguồn động viên để những người làm báo không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao tay nghề, góp phần mang lại sự sinh động, đa dạng và hiệu quả cho tờ báo.

-> Nghề báo nguy hiểm, không say mê khó thành công