Lãi suất tăng, ‘bỏ túi’ ngay phương án gửi tiết kiệm sinh lời tối đa

Gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là một trong những kênh đầu tư phổ biến, nhất là với những người ít kinh nghiệm và am hiểu về thị trường tài chính.

Nửa cuối tháng 5, lãi suất huy động tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng. Giữa một “rừng” phương án và kỳ hạn gửi tiết kiệm của các ngân hàng, dưới đây là những cách để khoản đầu tư của bạn sinh lời tối đa.

Gửi tiết kiệm dài hạn

Hiện nay các ngân hàng đều có nhiều sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn ngắn và dài với các mức lãi suất khác nhau, như kỳ hạn ngắn từ 1 tuần, 1 tháng đến 6 tháng, kỳ hạn dài từ 6 tháng đến 15 năm.

Để hiểu tại sao nên chọn gửi tiết kiệm dài hạn, trước hết bạn cần nắm được cách tính lãi suất tiết kiệm. Theo đó: Số tiền lãi = Số tiền gửi x Lãi suất (%/năm) x Số ngày thực gửi / 365.

Thông thường, lãi suất tiết kiệm dài kỳ cũng thường cao hơn so với kỳ hạn ngắn. Do đó, gửi càng lâu thì khoản tiền thu về càng cao.

Lãi suất huy động các ngân hàng đang hấp dẫn nhà đầu tư an toàn. (Ảnh: VietnamPlus)

Thời điểm hiện tại, một số ngân hàng có mức lãi suất gửi tiền hấp dẫn có thể kể đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) lãi suất lên tới 7,55%/năm cho khách hàng gửi kỳ hạn từ 18-36 tháng. Tuy nhiên, với hình thức này bạn cần lưu ý tới tỷ lệ lạm phát để đảm bảo lãi suất tiết kiệm luôn cao hơn lạm phát nếu không muốn khoản tiền bị mất giá trị.

Chia nhiều sổ tiết kiệm

Mặc dù việc gửi tiền dài hạn mang lại mức lãi suất hấp dẫn, hình thức này có thể sẽ không phù hợp nếu tình hình tài chính của bạn chưa ổn định. Trong trường hợp có các tình huống phát sinh cần rút tiền trước hạn, số tiền lãi nhận được sẽ tính theo hình thức không kỳ hạn và chắc chắn sẽ rất ít ỏi.

Chính vì vậy, một phương án khác là bạn sẽ chia ra nhiều sổ tiết kiệm với nhiều mức kỳ hạn khác nhau, thậm chí gửi tại các ngân hàng khác nhau để tối ưu được lãi suất. Trong đó, một sổ có thời hạn ngắn để dễ dàng rút ra nếu có việc đột xuất, các sổ còn lại nên chọn kỳ hạn dài để hưởng khoản tiền lãi tối đa.

Ví dụ: Có thể chia một khoản gửi 1 – 6 tháng, các khoản còn lại gửi trên 12 tháng. Trong trường hợp cần dùng đến tiền, bạn rút sổ có kỳ hạn ngắn sẽ mất ít lãi suất hơn. Tuy nhiên, tới lúc đáo hạn, nếu bạn vẫn chưa cần sử dụng tiền thì đừng vội rút ra. Ngân hàng sẽ tự động cộng lãi vào vốn và tiếp tục gia hạn kỳ hạn với lãi suất tại thời điểm đó.

Gửi tiết kiệm online

Hiện nay nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất gửi tiết kiệm online cao hơn lãi suất tại quầy. Bạn có thể lựa chọn hình thức này để tối ưu lợi nhuận. Ví dụ, tại MSB, khi gửi tiết kiệm online, khách hàng được hưởng lợi cộng thêm 0,8% lãi suất so với gửi kỳ hạn 6 tháng tại quầy. Từ ngày 16/3/2022, khi lần đầu gửi tiết kiệm tại MSB, khách hàng có cơ hội nhận mức lãi suất 7%/ năm cho kỳ gửi 15 tháng và 6,8% cho kỳ gửi 6 và 12 tháng.

Với ngân hàng SCB, gửi tiết kiệm online có lãi suất cao nhất lên tới 7,55%/năm cho khách hàng gửi kỳ hạn từ 18-36 tháng, không quy định mức tiền gửi. Khách gửi kỳ hạn 6 tháng online lãi suất cũng tới 6,85%/năm, là mức khá cao trên thị trường.

Hiện một số ngân hàng có mức lãi suất cao nhất trên 7%/năm, thậm chí từ 7,2-7,4%/năm như VietCapitalBank, VietBank, Nam A Bank, VietABank... áp dụng chủ yếu với gửi tiết kiệm online kỳ hạn trên 12 tháng.

Gửi tiết kiệm lãi suất thả nổi

Gửi tiết kiệm lãi suất thả nổi là hình thức gửi tiết kiệm có kỳ hạn, lãi suất gửi sẽ được ngân hàng điều chỉnh theo định kỳ hàng tháng phù hợp với tình hình thực tế của thị trường. Đây là cách gửi tiết kiệm phù hợp với những khách hàng quan tâm đến tình hình biến động của lãi suất và tìm kiếm các cơ hội đầu tư sinh lợi nhuận cao hơn.

Hiện các ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính có khá nhiều sản phẩm gửi tiết kiệm với lãi suất cạnh tranh. Khách hàng có thể chọn gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn hoặc không có kỳ hạn để thu được lợi ích cao nhất.

Hình thức gửi tiết kiệm theo lãi suất thả nổi phù hợp với những ai hiểu được xu thế lãi suất và nắm rõ các kỳ điều chỉnh để thu về mức lợi nhuận hấp dẫn hơn hẳn.