Huyền thoại Vũng Đục, nơi ghi dấu chiến công vùng mỏ

Đến Vũng Đục (TP Cẩm Phả) nhìn cảnh thiên nhiên thơ mộng nơi đây không ai còn thấy dấu vết của chiến tranh. Nhưng nơi ấy đã từng chứng kiến những nỗi đau, mất mát và cả những chiến công bất khuất của những huyền thoại vùng mỏ.

Trong suốt những năm từ 1946 đến 1949, để đàn áp phong trào công nhân mỏ, thực dân Pháp và chủ mỏ đã liên tục mở các đợt càn quét, bắn giết khủng bố nhiều chiến sĩ yêu nước.

Vũng Đục nơi ghi dấu câu chuyện bất tử về những chiến sĩ cách mạng vùng mỏ

Theo các tài liệu ghi chép tại Vũng Đục, thời điểm cuối năm 1948 đầu 1949 được coi là cao điểm của đợt càn quét, Thực dân Pháp mở chiến dịch cao điểm khủng bố trắng, bắt bớ không cần xét xử. Để khai thác thông tin, chúng đã dùng những cực hình tra tấn dã man nhưng vẫn không lay chuyển được ý chí kiên cường của những chiến sĩ cộng sản.

Sau khi dùng cực hình tra tấn, chúng lấy dây thép gai, xâu tay, cho vào bao tải và buộc đá, đêm đêm dùng thuyền chở ra ngoài Vũng Đục rồi dìm sống họ xuống biển. Trong số họ có người là cán bộ cốt cán, quần chúng yêu nước, một số người tuổi đời còn rất trẻ, đang độ tuổi mười tám đôi mươi tràn đầy sức sống.

Tuy nhiên, sau sự kiện này, chẳng những phong trào cách mạng không bị dập tắt mà còn được thổi bùng lên mãnh liệt hơn trong lòng những người công nhân vùng mỏ.

Chiến công của những người dân vùng mỏ Vũng Đục (TP. Cẩm Phả) được ghi lại và lưu truyền qua những tư liệu quý

Tháng 8/1958, nhà thơ Huy Cận cùng một số văn nghệ sĩ khác đã có chuyến đi thực tế tại Quảng Ninh. Nghe kể lại câu chuyện các liệt sĩ hy sinh ở Vũng Đục ông đã xúc động làm bài thơ “5 người con gái anh hùng Cẩm Phả”.

Không lâu sau đó bài thơ được đăng trên báo Nhân Dân, được Bác Hồ xem và gửi quyết định 5 huy hiệu của Bác về cho Uỷ ban thị xã Cẩm Phả để tặng 5 gia đình có 5 người con gái hy sinh oanh liệt tại mỏ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Để có căn cứ gửi huy hiệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu ngành Than sưu tầm, xác minh và báo cáo sự việc trên. Ngoài 5 liệt sĩ trên, báo cáo gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định được thêm lý lịch của 3 liệt sĩ nữa.

Theo báo cáo này, sự việc 8 nữ chiến sĩ hy sinh ở Vũng Đục xảy ra vào khoảng cuối năm 1948. Hiện tại, 8 liệt sĩ đã được xác định rõ danh tính gồm Nguyễn Thị Tý, Phạm Thị Tỵ, Đoàn Thị Mão, Nguyễn Thị Bích, Trần Thị Thu, Phạm Thị Ngọ, Phạm Thị Xuyến, Trần Thị Nga.

Đài tưởng niệm Vũng Đục, nơi ghi công các chiễn sĩ vùng mỏ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp

Cùng với 8 liệt sĩ kể trên còn hàng trăm chiến sĩ, thợ mỏ yêu nước khác hiện đang yên nghỉ dưới khu vực Vũng Đục mà đến nay chưa biết được danh tính cũng như chưa thể tìm được hài cốt.

Để tưởng nhớ và ghi nhận sự dũng cảm của những chiến sĩ vùng mỏ ưu tú đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man, chấp nhận hy sinh để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2/1993, Đảng bộ và nhân dân thị xã Cẩm Phả (nay là TP Cẩm Phả) đã xây dựng Đài tưởng niệm ngay chân núi Bàn Cờ, bên cạnh nơi thực dân Pháp đã dìm các chiến sĩ xuống biển.

Đền Vũng Đục, nơi thờ các liệt sĩ đã hi sinh tại đây

Năm 2010, đền thờ các liệt sỹ Vũng Đục được khởi công xây dựng và khánh thành vào năm 2012. Cùng với tượng đài liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ Vũng Đục là nơi ghi nhớ chiến công oanh liệt của lớp lớp thế hệ quân và dân Vùng mỏ kiên cường, cũng là chứng tích tố cáo tội ác của thực dân Pháp xâm lược, nơi giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ mai sau.