Hơn 1,53 triệu người trên thế giới tử vong vì COVID-19

Tính đến sáng 6/12, thế giới có hơn 66,7 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó trên 1,53 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Tính đến sáng ngày 6/12, nước có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới vẫn là Mỹ với trên 14,9 triệu trường hợp mắc và hơn 287.300 bệnh nhân thiệt mạng. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 153.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ mới đây khuyến cáo nên áp đặt quy định đeo khẩu trang tại các không gian kín trong nhà, trừ nhà riêng của mỗi người.

Theo CDC, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao nhất là giữa những người nhiễm bệnh và các thành viên trong gia đình của họ. Hồi đầu tuần, CDC đã ra hướng dẫn kêu gọi người dân Mỹ hạn chế đi lại trong dịp lễ cuối năm nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. CDC cũng ra một số hướng dẫn khác nhằm đối phó với đại dịch, gồm hạn chế tụ tập trong nhà không cần thiết, đồng thời tăng cường khả năng truy vết tiếp xúc.

Ảnh minh họa

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới Ấn Độ, trên 9,6 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 140.000 trường hợp tử vong. Ngày 5/12, Ấn Độ báo cáo trên 28.300 ca mắc COVID-19 mới.

Tổng số người nhiễm COVID-19 tại Brazil hiện là hơn 6,5 triệu ca. Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận trên 42.200 ca mắc mới. Hơn 176.600 bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia này đã không qua khỏi.

Nga vẫn là tâm dịch lớn thứ tư thế giới với hơn 2,4 triệu ca mắc COVID-19 và gần 42.700 trường hợp tử vong. Ngày 5/12, Nga xác nhận thêm trên 28.700 ca nhiễm bệnh mới.

Giới chức y tế thủ đô Moscow của Nga đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Sputnik V cho người dân thông qua hệ thống 70 cơ sở y tế, đánh dấu đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên của Nga để ngăn ngừa bệnh COVID-19. Đối tượng ưu tiên là các bác sĩ và nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên làm công tác xã hội. Tổng cộng, khoảng 10 tỷ Ruble sẽ được phân bổ cho công tác tiêm phòng cho người dân thủ đô. Khoản chi tiêu này được đưa vào ngân sách thành phố năm 2021. Ngoài ra, Nga sẽ triển khai tiêm vaccine COVID-19 đại trà cho hơn 400.000 quân nhân nước này.

Ngày 5/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, chỉ riêng việc triển khai tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 sẽ không thể đẩy lùi đại dịch, đồng thời kêu gọi thế giới tránh tự mãn, lầm tưởng rằng cuộc khủng hoảng sẽ qua đi khi các loại vaccine phòng bệnh hiệu quả đang dần được tìm ra.

Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan khẳng định, việc có vaccine và tiến hành tiêm chủng sẽ chỉ là sự bổ sung một công cụ quan trọng và sắc bén cho bộ công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch này.

Theo WHO, hiện có khoảng 51 loại vaccine COVID-19 đang được thử nghiệm trên người, 13 trong số này đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối trên quy mô lớn. Trong khi đó, còn khoảng 163 vaccine đang được nghiên cứu và phát triển tại các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.

Hà Nội báo cáo nhanh về 2 ca dương tính SARS-CoV-2