Hiện trường sạt lở Rào Trăng 3 và nơi 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích

Tại hiện trường trạm kiểm lâm 67, nơi 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích, một lượng lớn đất đá lên đến hàng trăm nghìn mét khối bị kéo trượt xuống phía đường quốc lộ.

2 vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại Thuỷ điện Rào Trăng 3 và Tiểu khu 67 đã vùi lấp nhiều người, đến chiều 14/10 lực lượng đã đưa thi thể 1 người gặp nạn ra khỏi hiện trường. Gia đình các nạn nhân vẫn đang mong mỏi một phép màu cho những người còn mất tích. 

Ngày 15/10, Công an tỉnh TT-Huế cho biết, hơn 60 chiến sĩ là cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cảnh sát cơ động, CSGT… đã tiếp cận được hiện trường tai nạn vụ thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở khiến 17 công nhân đang thi công bị vùi lấp.

Trước đó, sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, thi thể của công nhân đầu tiên tên là Nghĩa (quê ở Thanh Hóa) đã được lực lượng CA tìm thấy. Hiện, thi thể nạn nhân đã được lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyển về và trên đường đưa về quê mai táng. Đến tối 14/10, vẫn còn 16 công nhân của thủy điện Rào Trăng 3 đang bị đất đá vùi lấp tại hiện trường.

Cũng trong chiều 14/10, lực lượng chức năng đã tiếp cận hiện trường vụ sạt lở Rào Trăng 3 để tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn người mất tích. Theo đó, lực lượng công binh đã mở đường vào đến Trạm Quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) - nơi 13 người trong đoàn đi cứu hộ cứu nạn dừng chân nghỉ. 

Tuy nhiên, khi đến đây, trạm đã bị đất đá vùi lấp hoàn toàn, không còn dấu vết. Lực lượng cứu hộ gọi vang "Còn ai không?" với hy vọng tìm được đoàn công tác. Thế nhưng, tiếng gọi đi mà không hề nghe thấy tiếng hồi đáp. Xung quanh chỉ là một vùng đất trống, cây cối đổ ngổn ngang, không có một bóng người. Một bầu không khí yên lặng khiến bất cứ ai đều lo lắng, bất an.

Hình ảnh trạm nghỉ nơi 13 người trong đoàn đi cứu hộ cứu nạn dừng chân trước và sau sạt lở 

 Cảnh vật ngổn ngang tại khu vực 13 cán bộ Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế và chính quyền địa phương mất liên lạc.

 Lãnh đạo Quân khu 4 tiếp cận hiện trường để đánh giá và chuẩn bị phương án cứu hộ-cứu nạn.

 Công tác cứu hộ - cứu nạn diễn ra nhanh chóng hơn với máy móc.

Đại tá Nguyễn Xuân Dũng - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, sau khi nhận được tin báo của người dân vào lúc 12h ngày 12/10 về sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức đi kiểm tra, khảo sát để xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ cứu nạn kịp thời, đoàn gồm có 21 người.

"Tuy nhiên, do đường bị sạt lở quá nhiều nên đoàn xuống đi bộ, có 21 người đi tiếp, 5 người ở lại. 21 người đi tiếp, dừng nghỉ ở nhà nghỉ của Trạm Kiểm lâm 67. Đến 0h, toàn bộ quả núi sạt xuống, vùi lấp toàn bộ khu nhà nghỉ của trạm kiểm lâm, 8 người may mắn thoát ra, hiện còn 13 người mất tích" - đại tá Nguyễn Xuân Dũng nói.

Về những người mất tích, theo đại tá Nguyễn Xuân Dũng có 11 người là bộ đội, 2 người địa phương là Chủ tịch UBND huyện Phong Điền và 1 phóng viên.

 Đoàn công tác rất vất vả mới tiếp cận được tới Tiểu khu 67.

Một số hình ảnh tại Thủy điện Rào Trăng 3:

 Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 chụp từ trên cao.

 Lượng đất đá khổng lồ sạt lở làm vùi lấp lán trại nhóm công nhân đang ngủ

 Một số công nhân của thủy điện sử dụng phương tiện tại chỗ, cố gắng tìm kiếm người bị nạn

 Từ thủy điện Rào Trăng 3, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đã bay flycam quan sát thủy điện A Lin B2 cách đó không xa. Qua hình ảnh từ flycam, lực lượng cứu hộ xác định thủy điện A Lin B2 vẫn an toàn. Trước đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã liên lạc được với 14 công nhân đang ở thủy điện A Lin B2 sau nhiều ngày mất liên lạc. - Ảnh: VNE