Hàng ngàn hộ gia đình "khát rũ" bên loạt nhà máy nước sạch chục tỷ đồng

Nghịch lý diễn ra tại Nghệ An khi nhiều dự án nhà máy nước sạch hàng chục tỷ đồng khởi công rình rang rồi "đắp chiếu" giữa lúc hàng nghìn hộ gia đình đỏ mắt ngóng chờ nguồn nước.

Nhiều năm trước, hàng loạt dự án nhà máy nước tại Nghệ An khởi công rầm rộ khiến người dân không ngừng nghĩ về giấc mơ nước sạch sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi.

Tuy nhiên, sau màn khởi công rình rang, quan khách rời đi, người dân lại ngày ngày chứng kiến nhà máy nước định hình rồi "đắp chiếu". Có công trình xây dựng được một số hạng mục rồi dở dang. Có dự án may mắn được hoàn thành rồi... cũng chung số phận. Chẳng còn cách nào khác người dân lại tự an ủi mình coi như chưa từng có sự kiện khởi công để quay về nếp sinh hoạt cũ với nước giếng, nước mưa.  

Cụ thể, năm 2014 dự án nhà máy nước sạch Hưng Thông có tổng dự toán hơn 25,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách được khởi công. Dự án do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư, được thiết kế có công suất 1.000 m3/ngày đêm với kỳ vọng mang lại nước sạch cho hơn 1.000 hộ dân.

Nhà máy nước sạch Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên) hoàn thành rồi "cửa đóng then cài"

Hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách chi ra rồi "đổ sông đổ bể", đánh sập biết bao hy vọng của người dân miền quê nghèo khi dự án dù đã hoàn thành vào năm 2018 nhưng chưa một ngày vận hành.

"Ngày nhà máy nước sạch khởi công, dân vui mừng bao nhiêu thì giờ thất vọng bấy nhiêu. Hàng chục hộ dân xóm tôi vẫn phải dùng nước giếng đào, giếng khoan ô nhiễm sắt nặng, là điểm cuối đón lượng nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, thuốc sâu từ đồng ruộng đổ về. Biết hiểm nguy rình rập nhưng vẫn phải dùng, chẳng còn cách nào khác" - bà Lâm (xóm Hồng Hà) nchia sẻ với ánh mắt xa xăm nhìn về phía nhà máy nước hoành tráng trước mặt.

Máy móc hoen rỉ, cỏ mọc um tùm

Chủ tịch UBND xã Hưng Thông, ông Nguyễn Hữu Phúc cho hay, lo lắng của người dân là đúng thực tế, chính quyền cũng rất thấu hiểu.

"Dân phản ánh rất nhiều, xã cũng đã có văn bản kiến nghị huyện sớm có phương án xử lý" - ông Phúc nói.

Hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách "đổ sông đổ bể"

Về dự án hàng chục tỷ đồng này, Trưởng BQL dự án đầu tư và xây dựng huyện Hưng Nguyên, ông Thái Huy Dũng cho biết, nhà máy nước chưa thể hoạt động là do thiếu nguồn nước thô đầu vào. Khi thiết kế xây dựng, nguồn nước thô được lấy từ kênh Hòa Cần nhưng hiện nay kênh này luôn cạn kiệt, bởi nước từ nguồn này còn phải phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

"Huyện đang đốc thúc nhiều giải pháp tháo gỡ để nhà máy nước sớm đi vào hoạt động" - ông Thái Huy Dũng cho hay.

Tương tự, tại huyện Diễn Châu, nhà máy nước sạch xã Minh Châu được khởi công năm 2015 với tổng kinh phí hơn 13,4 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành sau 1 năm xây dựng để phục vụ nước sạch cho 900 hộ dân.

Để xây dựng dự án, ngoài nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ, mỗi hộ dân tại xã này đóng góp 2 triệu đồng để góp vốn đối ứng. Tuy nhiên, sau 3 năm ròng rã thi công với biết bao kỳ vọng của người dân, cuối năm 2018 công trình hoàn thành nhưng chưa hẹn ngày hoạt động.

Hơn 13 tỷ đồng đầu tư nhưng Nhà máy nước xã Minh Châu (huyện Diễn Châu) vẫn rơi vào cảnh bỏ hoang

"Một số hạng mục tại nhà máy đã xuống cấp cần phải sửa chữa nhưng mãi nhà thầu không hợp tác. Đợt rồi thêm vụ 5 máy bơm của nhà máy bị đạo chích đột nhập trộm mất nhà thầu cũng không chịu lắp mới" - ông Võ Đình Quyền - Chủ tịch UBND xã Minh Châu nói về nguyên nhân nhà máy nước sạch chưa thể vận hành.

Chia sẻ về những câu chuyện lãng phí ở các nhà máy nước sạch như trên, Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý cấp nước Trung tâm nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Linh cho biết, hiện toàn tỉnh Nghệ An có 8 nhà máy nước đang trong tình trạng dở dang, chưa hoàn thành dù chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch đã kết thúc.

Trong lúc chờ địa phương tháo gỡ, người dân vẫn sẽ tiếp tục phải... chờ trong vô vọng và sống qua ngày với nguồn nước thiếu an toàn dù các nhà máy nước sạch quy mô hàng chục tỷ đồng vẫn chình ình ngay trước mắt.