Hàng loạt phi công, nhân viên VNA xin “nghỉ ốm”

Trong đợt Tết Dương lịch vừa qua có hơn 100 phi công, nhân viên của VNA bỗng dưng xin “nghỉ ốm”.

Ngày 11/1, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh xác nhận với Tiền Phong, Cục này đang thực hiện theo chỉ thị của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng về việc tạm thời chưa chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của Tổng Cty Hàng không Việt Nam (VNA).

Ông Thanh cũng xác nhận về tình trạng một số lao động kỹ thuật cao của VNA (chủ yếu là người Việt) xin chuyển việc, gây ảnh hưởng đến hoạt động của hãng này.

Một nguồn tin cho biết, trong đợt Tết Dương lịch vừa qua có hơn 100 phi công, nhân viên của VNA bỗng dưng xin “nghỉ ốm”. Tuy nhiên, VNA bằng các biện pháp khác nhau đã không để xảy ra tình trạng chậm hủy chuyến vì việc này.

 

Ảnh minh họa

Hiện, các bên liên quan tránh nêu cụ thể về nguyên nhân sự việc. Tuy nhiên, một nguồn tin trong ngành trao đổi với Tiền phong, lý do sâu xa là do ngành hàng không thời gian qua và tới đây phát triển mạnh; máy bay nhập về nhiều, dẫn đến cạnh tranh gay gắt về nhân lực giữa các hãng nội địa.

Theo một số phi công, thời gian làm việc của hãng hàng không Vietnam Airlines quá tải nhưng lương không tương thích so với một số hãng khác. Cụ thể, các phi công này làm việc đến 23 ngày/tháng (nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật), lương 2.500 USD/tháng, trong khi ở hãng hàng không VietJet, phi công chỉ làm việc 15 ngày/tháng nhưng mức lương lên đến 7.500 USD/tháng. Bên cạnh đó, các phi công phản ánh khi bay ra Hà Nội được bố trí nơi nghỉ ngơi chưa tốt.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, cho biết việc nhân viên kỹ thuật cao phản ánh về nơi ở thì cách đây một tháng đã có cuộc đối thoại giữa phi công và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam: “Tại đây mọi việc đã được giải quyết, hiện các phi công được đưa ra khách sạn ở rồi…”.

Cũng theo ông Minh, các phi công cho rằng tiền lương của Vietnam Airlines thấp hơn VietJet nên xin nghỉ là không đúng. “Hiện thu nhập của các phi công ở Vietnam Airlines khoảng 200 triệu đồng/tháng, cao hơn lương của giáo sư, tiến sĩ và lao động ở các lĩnh vực khác ở Việt Nam. Hơn nữa hãng hàng không Vietnam Airlines thuộc quốc gia nên không thể đòi hỏi như vậy. Nếu anh là hàng không tư nhân thì câu chuyện đồng lương đó là đúng…” - ông Minh nói. Ông Minh cho rằng: “Họ phải suy nghĩ mức lương họ đang được hưởng là bao nhiêu và với số tiền đó có chật vật khi sống ở Việt Nam hay không…”.

Vân Anh (tổng hợp)