Điểm du xuân đầu năm lý tưởng ở miền Bắc

Một số điểm văn hóa tâm linh như Văn Miếu, Đền Hùng, Chùa Hương… được cho là lý tưởng để du khách tham quan vãn cảnh đầu năm mới.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) trở thành biểu tượng của tri thức, sự hiếu học và tôn sư trọng đạo của người Việt. Vì thế mà cứ đến độ xuân về, các học sĩ ở cả nước, từ những em nhỏ học chập chững vào lớp 1 đến những giáo sư tóc đã bạc đầu, đều đổ về đây.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám có địa chỉ tại 58 phố Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội)

Những hoạt động nổi bật khác khi đến Văn Miếu - Quốc tử Giám là thăm 82 bia đá rùa khắc tên các vị tiến sĩ Nho học Việt Nam, xem chơi cờ người, xin chữ đầu năm. 

Lễ khai ấn đền Trần

Tọa lạc trên đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, đền Trần năm nào cũng chật cứng du khách về xin ấn ngày Rằm tháng Giêng. Nhiều người tin rằng, có Ấn đền Trần sẽ được thăng tiến, thành đạt trong sự nghiệp.

Đền Trần có địa chỉ tại P. Lộc Vượng, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.

Tương truyền, Ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 - 24h của ngày 14 tháng Giêng. Vì vậy, hàng triệu người khắp nơi đổ về Đền Trần chen chúc chỉ mong xin được Ấn vào thời khắc thiêng liêng ấy.

Lễ hội đền Trần được bắt đầu từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng với rất nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo như rước kiệu ngọc lộ, rước nước, tế cá, múa lân, biểu diễn võ thuật…

Lễ hội Bà Chúa Kho

Đền Bà Chúa Kho ở núi Kho thuộc tỉnh Bắc Ninh là nơi thờ Linh Từ Quốc Chế - một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, có công chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng nương làng Quả Cảm (Bắc Ninh). Bà cũng là người giúp vua Lý tổ chức sản xuất, tích trữ và trông nom kho lương thực tại núi Kho.

Đền Bà Chúa Kho, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh

Mỗi năm vào ngày 14 tháng Giêng nơi đây lại tổ chức lễ hội Bà Chúa Kho để tưởng nhớ công lao của bà. Cứ đến ngày hội này, người dân tứ xứ lại đổ về để cầu anh bình, may mắn và xin lộc. Những người làm nghề buôn bán thường chuẩn bị những mâm lễ lớn dâng lên Bà Chúa Kho để xin một năm mới ăn nên làm ra, phát tài phát lộc. Không ít trong số đó còn chuẩn bị những sớ, lễ cầu kỳ để làm nghi thức “vay vốn” Bà Chúa Kho.

Lễ hội Tây Thiên

Lễ hội Tây Thiên được khai mạc vào ngày rằm tháng hai âm lịch hằng năm tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên trong khu danh thắng Tây Thiên thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Hình ảnh lễ hội Tây Thiên

Đây là một trong những lễ hội đầu năm được du khách lựa chọn nhiều nhất. Du lịch Tết tham quan Tây Thiên Tam Đảo là một trải nghiệm vô cùng thú vị, kết hợp du xuân vãn cảnh, nghỉ ngơi thư giãn đậm chất xuân. Không chỉ cuốn hút bởi phong cảnh hữu tình, núi non trùng điệp, kiến trúc độc đáo tựa lưng vào núi mà Tây Thiên còn là điểm đến vào mùa xuân. Đến đây bạn sẽ được trẩy hội cầu tài, cầu lộc cho cả năm may mắn và tham gia nhiều hoạt động văn hóa độc đáo.

Cứ đến ngày Rằm tháng Hai (Âm lịch) hằng năm, là dịp chính hội, du khách và người dân địa phương cùng những Phật tử đều quy tụ về đây làm lễ cầu bình an, tham gia những hoạt động vui hội như làm bánh chưng, bánh giầy, hội vật,...

Lễ hội Chùa Hương

Chùa Hương ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong những chuyến trẩy hội chùa Hương có lịch sử hàng trăm năm, du khách thập phương thường đi đò xuôi dòng suối Yến để cảm nhận không gian thanh bình của miền đất Phật.

Hình ảnh lễ hội Chùa Hương

Quần thể danh thắng chùa Hương được xây dựng gồm nhiều đền, chùa, đình thờ Phật và các vị thần trong tín ngưỡng Phật giáo của người Việt Nam. Lễ hội chùa Hương thường được khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến tầm tháng 3 Âm lịch.

Ngoài ghé thăm chùa để cầu bình an, tài lộc du khách có thể thăm quan, vãn cảnh chùa, đi thuyền xuôi bờ sông Yên để tận hưởng không gian mênh mông đôi bờ sông nước.

Lễ hội đền Hùng

Lễ đền Hùng thường diễn ra vô cùng trang nghiêm, trọng thể theo nghi thức văn hóa dân tộc để tưởng nhớ công lao to lớn của các vị vua Hùng thuở sơ khai.

Lễ hội Đền Hùng

Lễ hội chính của Đền Hùng (nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ) là ngày 10/3 Âm lịch nhưng người dân đã đi lễ từ những ngày đầu năm mới.