Cuộc sống sinh viên thời “bão giá”

Đi xe bus, xe đạp thay vì đi xe máy để tiết kiệm tiền xăng, không còn ngồi quán cafe hay ăn vặt, tiết kiệm trong các bữa ăn… là cách nhiều sinh viên lựa chọn để thích ứng trong thời “bão giá”.

Bất ngờ, than vãn và xót tiền là những phản ứng của nhiều bạn trẻ khi biết giá xăng dầu tăng lần thứ 7 liên tiếp, tiến sát mốc 33.000 đồng/lít.

Giá xăng liên tục tăng khiến nhiều sinh viên lo lắng (Ảnh: MH)

Muôn vàn lo lắng thời "bão giá"

Nguyễn Thị Hạnh - sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền buồn rầu vì mọi ngày chỉ 70.000 đồng là đổ đầy bình xăng xe máy, nhưng hiện tại để đầy bình phải mất tận 100.000 đồng.

“Em có biết đến thông tin giá xăng tăng nhưng không nghĩ là tăng nhanh và nhiều đến vậy. Theo thói quen mỗi lần đi mua xăng thường đổ đầy bình nên lúc nhìn bảng giá thanh toán cũng hơi bất ngờ vì chưa bao giờ em đổ xăng xe mà phải trả số tiền nhiều đến thế”, Hạnh cho hay.

Tương tự, Nguyễn Thu Anh - sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, việc giá xăng tăng liên tục như hiện nay khiến em cảm thấy áp lực.

Thu Anh chia sẻ: “Bên cạnh chi phí đi lại, em còn phải trả tiền thuê trọ, điện nước, mua thức ăn… bây giờ cái gì cũng tăng giá. Vì để thuê trọ được giá rẻ em đã phải chọn giải pháp ở xa trường. Nhưng ở xa đồng nghĩa với việc phải di chuyển nhiều nên chẳng bao lâu lại phải đi đổ xăng. Số tiền chi cho xăng xe cũng không nhỏ”.

Nỗi lo lắng của Hạnh, Thu Anh cũng là tình trạng hiện tại của Nguyễn Văn Nam - sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội.

Nam cho biết, bố mẹ em ở quê cũng chỉ chăn nuôi, làm ruộng nên kinh tế gia đình hạn hẹp. Mỗi tháng bố mẹ gửi cho em 2 triệu đồng để ăn học, em đóng tiền trọ mất 800.000 đồng, còn lại hơn 1 triệu để chi trả cho xăng xe đi lại, tiền ăn uống, sinh hoạt nên cũng đảm bảo.

Tuy nhiên, khoảng 3 tháng nay, giá các mặt hàng đều tăng theo giá xăng dầu nên em phải siết chặt mọi thứ, từ mua đồ ăn, muốn uống cốc nước mía cũng phải đắn đo, vì sợ hụt tiền chi tiêu. Cha mẹ ở quê làm đủ thứ cũng không có thêm thu nhập nên em không dám than thở sợ cha mẹ lo lắng.

“Mỗi ngày em đều phải tính xem đi chợ mua gì để nấu ăn cho rẻ, đỡ tốn tiền. Có những hôm, cả ngày chỉ ăn mì tôm cho tiết kiệm”, Nam tâm sự.

Nhiều ngày nay Nam chỉ ăn mì tôm để tiết kiệm tiền

Không dám đi xe máy vì sợ tốn tiền xăng xe

Để thích ứng với tình hình giá xăng dầu liên tục “nhảy múa”, các bạn trẻ đã áp dụng nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.

Nguyễn Thị Hạnh cho hay trước kia xăng chưa được liệt kê vào nỗi lo chi tiêu nhưng với tình hình giá cả tăng liên tục như vậy, em đã nhờ bố mẹ gửi xe đạp từ quê xuống Hà Nội để đi.

“Vì xăng tăng giá quá nên em đã bảo bố mẹ gửi cho em chiếc xe đạp ở quê xuống để đi. Mặc dù chặng đường đi khá xa và phải dậy sớm hơn hàng ngày để đi học nhưng thời buổi này tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy và em coi đó như cách mình tập thể dục”, Hạnh nói.

Lựa chọn đi xe đạp là cách Hạnh và nhiều bạn sinh viên áp dụng để giảm chi phí xe cộ

Tương tự, Thu Anh dè xẻn trong ăn uống, hạn chế tiêu tiền vào những mục đích chưa thực sự cần thiết. Đồng thời, đi chung xe với bạn cũng là một phương án được Thu Anh lựa chọn để giảm tiền xăng xe.

“Em hy vọng giá xăng sẽ giảm ít nhiều trong thời gian tới để việc đi lại của người dân cũng như học sinh, sinh viên được thuận lợi, thoải mái hơn, đồng thời bình ổn giá các mặt hàng để cuộc sống “dễ thở” hơn”, Thu Anh bày tỏ.

Với Nguyễn Văn Nam, em cho biết đã mua vé tháng đi xe buýt để tiết kiệm xăng xe và sẽ đi tìm công việc làm thêm ngoài giờ học để trang trải chi phí, không phải xin thêm tiền của bố mẹ.

“Tưởng hết dịch Covid, cuộc sống của những bạn sinh viên như em sẽ đỡ chật vật hơn, nào ngờ bây giờ giá cả leo thang chóng mặt, muốn mua gì cũng phải tính toán, căn ke từng đồng để tiết kiệm”, Nam nói.

Trước thực trạng việc xăng dầu tăng giá liên tục kéo theo bão giá đã gây ảnh hưởng không ít đến đời sống của nhiều bạn trẻ, nhất là sinh viên, Thạc sĩ quản trị kinh doanh Lê Anh Tú - giảng viên Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: “Để thích nghi với tình hình xăng dầu tăng giá thì sinh viên cần có cách chi tiêu hợp lý như tiết giảm di chuyển bằng phương tiện cá nhân, thay vào đó là sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, đồng thời tiết giảm các chi phí sinh hoạt khác như ăn uống, ăn mặc.

Sinh viên cũng không nên quá áp lực, lo lắng vì giá xăng có thể sẽ có chiều hướng giảm trong những ngày tới”.

-->> Lao đao “bão giá”: Khó như đi chợ!