Cán bộ IPPF kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện dự án JTF ở 3 tỉnh thành Hội

Ông Brayant Gonzales, cán bộ chương trình của IPPF Khu vực Đông Đông Nam Châu Á và Châu Đại Dương vừa có chuyến thăm và làm việc tại 3 tỉnh/thành Hội Đà Nẵng, Huế, Bình Dương.

Các cán bộ giám sát hỗ trợ gồm ông Lê Đình Phương – Phó Chủ tịch Hội, Giám đốc dự án, ông Lê Đức Hoàng – Giám đốc Điều hành Hội và ông Vũ Đức Thảo – Điều phối viên Dự án.

Trong 1 tuần, ông Brayant Gonzales đã làm việc với các thành viên Dự án, cán bộ phòng khám các tỉnh/thành Hội, tham quan trạm y tế triển khai hoạt động dự án, quan sát hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ nhà máy 29/3 (Đà Nẵng), câu lạc bộ nhà máy Takson (Huế, câu lạc bộ công ty Chí Hùng (Bình Dương), hoạt động cung cấp dịch vụ lưu động và thảo luận các vấn đề kỹ thuật của Dự án.

Hội KHHGĐ tỉnh Bình Dương làm việc với đoàn giám sát của IPPF về dự án JTF.

Sau khi kiểm tra, ông Brayant Gonzales và các cán bộ giám sát khuyến nghị, các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ cần thu hút nhiều hơn sự tham gia của nam giới, khuyến khích mở rộng tới các nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên.

Vận động, chứng minh tính hiệu quả của mô hình tới các bên liên quan như lãnh đạo nhà máy, ban chủ nhiệm, thành viên câu lạc bộ để hoạt động này được duy trì bền vững ngay cả khi không còn tài trợ từ IPPF.

Ông Brayant Gonzales làm việc với lãnh đạo Hội KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Tiếp tục duy trì và phát huy cách thức truyền thông tin tới công nhân nhà máy thông qua việc triển khai thành công nhiều hình thức như lồng ghép tập huấn với công đoàn tỉnh, truyền thông qua loa phát thanh và chiếu video trong giờ nghỉ trưa, ứng dụng công nghệ thông tin như mạng xã hội Facebook, Zalo trong việc thu hút, truyền đạt thông tin tới công nhân.

 Trang bị thông tin và kiến thức về SKSS/SKTD cho công nhân nhà máy.

Về hoạt động truyền thông tại cộng đồng, tỉnh/thành Hội cần tiếp tục tăng cường phối kết hợp với các trạm y tế trong việc thu hút người dân, đặc biệt các nhóm thanh niên, vị thành niên, học sinh…tham gia các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ lưu động

Để dự án được duy trì bền vững, tỉnh/thành Hội cần tổng hợp các câu chuyện thành công thành tư liệu chứng minh tính hiệu quả của Dự án, từ đó làm cơ sở cho các đề xuất tiếp theo. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực đối ứng từ nhà máy, các đơn vị liên quan về việc hỗ trợ các hoạt động của Dự án.

Đoàn giám sát IPPF kiểm tra hoạt động tại nhà máy công ty Chí Hùng. 

Đoàn giám sát hy vọng tỉnh/thành Hội tiếp tục phát huy cách tiếp cận linh hoạt trong việc triển khai các hoạt động của dự án để phù hợp nhất với tình hình địa phương, đồng thời tăng cường hơn nữa các đối tượng được hưởng lợi. 

Trước đó, năm 2021, Trung ương Hội KHHGĐ Việt Nam đã xây dựng và bảo vệ thành công dự án “Mở rộng quan hệ đối tác nhằm cung cấp thông tin và dịch vụ SKSS/SKTD cho công nhân nhà máy” (Gọi tắt là Dự án JTF). Dự án có thời hạn 24 tháng và được hỗ trợ bởi Quỹ Ủy thác Nhật Bản (JTF) thông qua Hiệp Hội KHHGĐ Quốc tế (IPPF).

Mục đích của dự án là “Cải thiện đầu ra chăm sóc SKSS/SKTD cho người nghèo và lao động di cư dễ bị tổn thương tại nhà máy và người dân tại các vùng khó tiếp cận” tại 6 nhà máy/xí nghiệp/khu công nghiệp; các cộng đồng vùng sâu, vùng xa tại 3 tỉnh/thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Bình Dương.

Dự án đã đặt ra 3 mục tiêu cụ thể bao gồm nâng cao năng lực cung cấp thông tin và dịch vụ SKSS/SKTD, dịch vụ y tế có chất lượng và chuyển tuyến; Trang bị thông tin và kiến thức về SKSS/SKTD và Quyền bao gồm cả HIV cho 6,000 công nhân nhà máy và 1,200 người dân cộng đồng; Nâng cao sức khỏe cho 6.000 công nhân nhà máy và 1.200 người dân tại các vùng khó tiếp cận thông qua cung cấp dịch vụ SKSS/SKTD có chất lượng.

Dự án đã thiết kế và xây dựng các mô hình tác động thuận tiện cho các đối tượng đích trong việc tiếp cận thông tin, tư vấn và dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình như: Tổ chức cung cấp dịch vụ lưu động tại nhà máy cho công nhân di cư, tại cộng đồng vùng sâu vùng xa cho người dân khó tiếp cận dịch vụ. Xây dựng mô hình Câu lạc bộ công nhân với sức khỏe sinh sản. Đặc biệt dự án thiết lập đường dây điện thoại nóng từ các phòng khám để tư vấn và hướng dẫn công nhân chăm sóc sức khỏe từ xa, chuyển tuyến khách hàng đến nơi nhận dịch vụ khi có nhu cầu.

Qua một thời gian hoạt động, mô hình cung cấp thông tin, tư vấn và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản qua điện thoại nóng đã được công nhân và người dân tại các khu công nghiệp đón nhận hết sức tích cực, đồng thời phản hồi dịch vụ hiệu quả.