Ấm lòng những bữa cơm nghĩa tình người làm báo trong mùa dịch

Bằng nhiều cách khác nhau những người làm báo đã dùng ngòi bút, tấm lòng của mình âm thầm lan toả yêu thương và kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch Covid-19 thông qua chương trình “Hà Nội nghĩa tình – Triệu bữa cơm – Tấm lòng người làm báo”.

Những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên khắp cả nước, người làm báo không chỉ có trách nhiệm truyền tải thông tin nhanh chóng đến người đọc mà còn có vai trò là nhịp cầu nối giữa những người có tấm lòng thiện nguyện với những người nghèo, mảnh đời bất hạnh.

Nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khi thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, những người làm báo đã triển khai Chương trình “Hà Nội nghĩa tình - Triệu bữa cơm - Tấm lòng người làm báo” từ ngày 9/8 đến hết ngày 22/8/2021.

Bên cạnh những người kêu gọi đóng góp chính là các phóng viên, nhà báo, đồng hành tham gia chương trình còn có Trung tâm Tình nguyện quốc gia, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội, nhóm Bếp Quân, câu lạc bộ xe địa hình Việt Nam và Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Chương trình sẽ trao bữa cơm cho những người nghèo, người lao động tự do, công nhân bị mất việc làm, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khó khăn,… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Hà Nội. Mỗi suất ăn là 25.000 đồng, dự kiến trung bình mỗi ngày chương trình sẽ phát từ 500 - 600 suất và tuỳ tình hình thực tế có thể tăng suất hàng ngày.

Chương trình “Hà Nội nghĩa tình - Triệu bữa cơm - Tấm lòng người làm báo” gửi hàng ngàn suất cơm tới cho những người nghèo, người lao động tự do, công nhân bị mất việc làm, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khó khăn,… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Là một trong những người khởi xướng chương trình, chị Nguyễn Thu Hương, phóng viên VTV3 chia sẻ: “Ngày hôm nay khi cả đất nước đang gồng mình chiến đấu với Covid-19, những người làm báo như chúng tôi không đứng ngoài cuộc nhìn nhân dân khổ, nhìn mất mát đau thương mà vô cảm. Đã gần 2 tháng làm thiện nguyện giúp người dân 2 đầu đất nước vơi chút nhọc nhằn thời kỳ này tôi hiểu nhiều, cảm nhiều lắm từng mảnh đời kém may mắn”.

Chị Nguyễn Thu Hương, phóng viên VTV3

Kể từ ngày Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chị Hương đã thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện khác và là hạt nhân vận động nhiều người cùng tham gia công tác thiện nguyện.

“Trái tim của người làm báo rất ấm nóng, biết rung cảm, họ đập cùng nhịp đập với những mảnh đời khó khăn, sẻ chia không chỉ qua các tác phẩm nghệ thuật, bài báo phản ánh mà còn bằng những việc làm thiết thực để giúp đỡ người công nhân, bệnh nhân, người già cơ nhỡ,…” – chị Hương tâm sự.

Nhà báo Trần Hướng là một trong những người đã gắn bó, hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần và là người nhiệt tình kết nối các nhà hảo tâm, cùng chị Hương bán đồ cá nhân để tăng kinh phí cho chương trình. Nói về chương trình chị Hướng chia sẻ: “Những người làm báo hỗ trợ nhau với tinh thần mình góp sức được gì, mình sẽ dùng tâm huyết và cố gắng để mang đến những suất ăn cho người vô gia cư, mong muốn họ có đủ cơm ăn để chống chọi qua thời kì khó khăn này”.

Nhà báo Trần Hướng, người phụ trách fangpage, tổ chức sản xuất chương trình Việc tử tế.

Nhóm thanh niên tình nguyện đi phát cơm cho người nghèo chiều 9/8. 

Chị Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia – Thường trực cho biết: “Tôi rất trân trọng và xúc động khi nhìn thấy những nhà báo không chỉ giỏi chuyên môn, phản ánh kịp thời những tin bài về công tác phòng chống Covid-19 mà họ còn có tấm lòng nhân ái và luôn đồng cảm, chia sẻ với những người khó khăn trong đại dịch”.

Chị Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia 

Được đồng hành với các nhà báo trong chương trình “Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình - Tấm lòng người làm báo”, chị Hoa tin rằng chương trình không chỉ là việc hàng ngày cùng nhau trao đi những suất cơm từ thiện nóng ấm cho những người nghèo, người lao động bị mất việc, người già neo đơn,… trong những ngày giãn cách mà còn lan tỏa những hành động đẹp, những tấm lòng thơm thảo của các nhà báo luôn hướng về cộng đồng với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

-> "Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình" không để ai bị thiếu cơm ăn mỗi tối