Vụ chữa ngộ độc rượu bằng bia, Bộ Y tế nói gì?

Chiều nay (11/1), Bộ Y tế họp báo cung cấp thông tin về trường hợp điều trị ngộ độc rượu Methanol bằng bia.

 Ths.Bs Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngày 24 - 25/12/2018, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị lần lượt tiếp nhận 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có biểu hiện của ngộ độc rượu.

Qua khai khác các bệnh nhân này cùng dự liên hoan vào chiều ngày 23/12/2018 và cùng uống chung một loại rượu. Triệu chứng ban đầu là đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, mệt mỏi, sau đó vật vã kích thích, hôn mê, rối loạn hô hấp, suy hô hấp, thở yếu, suy tuần hoàn, nhìn mờ.

Toàn cảnh buổi họp báo

Qua đó, bệnh nhân Lê Văn X. được chẩn đoán choáng nhiễm độc từ đường tiêu hóa, nghi ngờ do ngộ độc methanol, chuyển bệnh viện Trung ương Huế điều trị vào lúc 5h30 phút ngày 25/12/2018 do bệnh tiên lượng rất nặng.

Còn bệnh nhân Nguyễn Văn N. và Lê Văn T. được chẩn đoán theo dõi ngộ độc methanol. 

Bên cạnh đó, trong quá trình lọc máu thải độc, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác, một trong số đó là truyền bia (có Ethanol) vào dạ dày qua ống thông. Sau 09 ngày điều trị, bệnh nhân N bình phục hoàn toàn và xuất viện ngày 02/1/2019.

Tại buổi họp báo, các chuyên gia lưu ý, Methanol là chất cồn thường dùng trong công nghiệp, bị nghiêm cấm sử dụng trong pha chế, sản xuất rượu, thực phẩm. Methanol khi vào cơ thể chuyển hóa thành chất gây độc lên hệ thần kinh, gây tổn thương não, tổn thương võng mạc dẫn đến mù lòa, nặng hơn là suy đa phủ tạng và tử vong.

Chất cồn có trong rượu, bia phải là cồn thực phẩm (Ethanol) đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, Ethanol cũng là chất có nguy cơ gây ngộ độc, có thể gây hôn mê, suy hô hấp và tử vong nếu uống rượu, bia nhiều.

Ngoài ra, ở mức độ dung nạp khác nhau, Ethanol gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như: gây ung thư (gan, khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, tuỵ, thận, đại - trực tràng, vú); gây rối loạn tâm thần kinh (loạn thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm khả năng tư duy); bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); bệnh tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển bào thai.

"Việc truyền 15 lít bia theo như thông tin báo chí thì rất dễ gây hiểu lầm. Ngoài ra, trong quá trình lọc máu thải độc, Ethanol cũng có thể được sử dụng theo đường tiêu hóa để tranh chấp chuyển hóa với Methanol có trong máu.

Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này chỉ có thể tạm thời trì hoãn việc chuyển hóa Methanol thành các độc chất (axit formic và format) gây hại cho người bệnh và phải được thực hiện, theo dõi sát tại cơ sở y tế có đủ điều kiện, theo hướng dẫn chuyên môn và chỉ định của bác sĩ"- BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nói.

Liên quan đến vấn đề pháp lý trong quản lý sử dụng rượu bia, bà Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Trong hướng dẫn chuyên môn về chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế nêu rõ, được phép sử dụng ethanol nồng độ pha loãng 20% có truyền giọt vào dạ dày và phải có chỉ định rất chặt chẽ.

Theo bà Trang, nhân sự việc này, trong thời gian vừa qua có ý kiến cho là cứ uống rượu khoảng 1 thời gian nhất định có thể nghỉ hoặc uống bia cầm chừng rồi uống tiếp. Mặc dù về nguyên lý sử dụng rượu bia có chứa cồn, gan có thải độc trong vòng 1h khoảng 1 đơn vị cồn tức là tương đương 10 gam cồn nguyên chất trong một dung dịch uống, nhưng cần lưu ý thói quen sử dụng rượu bia của người dân thì không ai chờ hết 1h mới uống thêm 1 đơn vị cồn. (1 đơn vị cồn chỉ khoảng 15ml rượu vang, gần 2/3 lon bia 330ml). Hầu hết người ta uống cấp tập, thậm chí trong 1h có thể uống hàng chục lon bia và lượng cồn cao, gan không chuyển hóa chất nên ethanol sẽ chuyển hóa thành chất độc.

“Dù bia hay rượu quy ra nồng độ cồn đều chứa cồn ethanol và đều gây hại như nhau nên không có chuyện uống rượu xong rồi uống bia thì không có hại cho cơ thể được”- bà Trang nhấn mạnh.