Vietnam Airlines làm gì để thoát âm vốn chủ sở hữu?

Bán và cho thuê máy bay, thoái vốn ngoài doanh nghiệp, đàm phán giãn hoãn các khoản nợ vay dài hạn…là những giải pháp được Vietnam Airlines đề cập để tránh tình trạng âm vốn chủ sở hữu đang có nguy cơ hiện hữu.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) vừa tổ chức họp ĐHĐCĐ. Theo đó, Vietnam Airlines thông qua kế hoạch doanh thu công ty mẹ 45.252 tỷ đồng và lỗ ròng 9.335 tỷ đồng trong năm 2022.

Nói về mức lỗ ròng này, lãnh đạo VNA cho hay, đây có thể xem là sự cố gắng của hãng hàng không quốc gia, trong bối cảnh thị trường phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, như giá xăng tăng phi mã năm 2022; các yếu tố không chắc chắn về kinh tế toàn cầu bao gồm cung cầu của thị trường năng lượng, các yếu tố địa chính trị thế giới, đặc biệt là tình hình xung đột Nga-Ukraine và các hệ lụy kèm theo.

Sẵn sàng thoái vốn tại Pacific Airlines

Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm tại ĐHĐCĐ của VNA là nguy cơ âm vốn chủ sở hữu và hệ luỵ bị huỷ bỏ niêm yết nếu tình huống này xảy ra. Trên thực tế, năm 2021, VNA đã đối mặt với khả năng âm vốn chủ sở hữu, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ với việc tăng vốn 8.000 tỷ đồng đã giúp hãng hàng không kết thúc năm 2021 với vốn chủ sở hữu dương hơn 500 tỷ đồng, tiếp tục duy trì sự hiện diện trên sàn chứng khoán.

Để tránh nguy cơ này, VNA cho biết đã xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể 2021-2025 trong đó có các giải pháp nhằm thoát âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp.

Các giải pháp này sẽ bao gồm đàm phán cắt giảm, giãn hoãn các khoản nợ vay dài hạn hiện có, giãn hoãn trả nợ vay sang các năm sau; bán và cho thuê máy bay… tìm mọi giải pháp tăng doanh thu như khôi phục, mở các đường bay quốc tế, thu hút khách du lịch, khách đầu tư.

Đồng thời, một trong những giải pháp căn cơ được ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines đề cập đến là việc đẩy nhanh tái cơ cấu thoái vốn ngoài doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi liên quan đến câu chuyện thoái vốn tại hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines, do VNA nắm hơn 98% cổ phần, ông Hoà cho hay, tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động.

VNA để ngỏ khả năng sẵn sàng giảm tỷ lệ sở hữu tại Pacific Airlines về mức 30%, thậm chí rút toàn bộ cổ phần, không nắm giữ cổ phần chi phối tại Pacific Airlines. Tuy nhiên, quá trình thoái vốn đang gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước.

Hãng hàng không đang đối mặt hàng loạt khó khăn. (Ảnh: Tienphong)

“Với một hãng hàng không lỗ lũy kế kéo dài thì nên chuyển nhượng vốn ra sao, theo quy định nào? Vấn đề này rất vướng. Chúng tôi đang báo cáo cấp thẩm quyền để xin cơ chế nhằm chọn được nhà đầu tư trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng quy định”, lãnh đạo VNA cho hay.

Tiếp tục tăng vốn điều lệ

Bên cạnh các giải pháp nói trên, VNA cho biết sẽ phát hành thêm cổ phần tăng vốn trong giai đoạn 2022-2023 và cân nhắc tiếp tục tăng vốn trong năm 2024-2025 trường hợp ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài.

Để làm được điều này, VNA phải được Chính phủ chấp thuận, thậm chí cần được Quốc hội thông qua (tương tự lần tăng vốn năm 2021).

Nếu phương án tăng vốn qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu được thông qua, đồng nghĩa với việc cổ đông nhà nước phải rót thêm tiền, hoặc nhà nước ủy quyền mua thông qua Tổng Công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - như cách làm trong 2021.

Trường hợp còn lại, hãng được phép phát hành cổ phiếu ra công chúng, nhưng khả năng này sẽ tương đương với việc làm giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại VNA mà không thông qua thoái vốn.

Trước đó, năm 2021, Vietnam Airlines đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 7.961 tỷ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ của hãng lên hơn 22.143 tỷ đồng. Cổ đông nhà nước đã ủy quyền cho SCIC mua số lượng cổ phiếu thuộc quyền mua. Nhờ đó, VNA đã thoát âm vốn chủ sở hữu, có thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh.

Kết thúc quý I/2022, VNA đang lỗ luỹ kế hơn 1 tỷ USD. Trong đó, riêng quý đầu năm 2022, VNA ghi nhận lỗ 2.700 tỷ đồng, giảm 34% so với quý 1/2021. Nợ ngắn hạn của VNA lên tới 45.700 tỷ đồng, tức gấp hơn 3 lần tài sản ngắn hạn.

Trong 06 tháng đầu năm, VNA cho biết đã khai thác trở lại 14 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số đường bay quốc tế đang khai thác đạt 35 đường bay, bằng 53% so 2019. Từ tháng 7/2022, Vietnam Airlines sẽ nâng số đường bay quốc tế lên 39 đường bay, bằng 60% so 2019.