“Việt cổ phục” tại công viên Hội An – TP. Thanh Hóa: Tái hiện không gian truyền thống thời Lê, Nguyễn

“Việt cổ phục” trưng bày, giới thiệu các loại trang phục truyền thống thời Lê, Nguyễn được xem là điểm nhấn tại không gian văn hóa phiên bản phố cổ Hội An – thành phố Thanh Hóa dịp Tết Quỹ Mão 2023.

Việt cổ phục trưng bay các trang phục truyền thống thời Lê và thời Nguyễn tại Công viên Hội An, TP. Thanh Hóa

Tết Nguyên Đán Quý Mão, thành phố Thanh Hóa tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tại dãy nhà phiên bản phố cổ Hội An như trình diễn thư pháp, cho chữ đầu xuân; trưng bày đèn lồng, nhạc cụ truyền thống… Trong số đó, gian trưng bày cổ phục Việt của ông Lê Việt Dũng lần đầu tổ chức được nhiều người chú ý. Tác giả của ý tưởng trưng bày cổ phục Việt hiện đang công tác tại Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa xuất phát từ tình yêu đối với văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ông Lê Việt Dũng, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa là một người say mê tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống

Theo ông Dũng, không gian phố cổ Hội An (phiên bản) tại công viên Hội An, TP Thanh Hóa những ngày đầu xuân rất phù hợp để trưng bày, giới thiệu, quảng bá trang phục Việt cổ.

“Ngày Tết là dịp mọi người thường nhớ đến nền xưa nếp cũ. Đây là dịp phù hợp để lan tỏa các giá trị văn hóa cổ truyền đến cộng đồng tốt nhất. Tôi đam mê sưu tầm, quảng bá cổ phục Việt từ lâu nhưng đây là năm đầu tiên tổ chức trưng bày, giới thiệu tại công viên lớn nhất xứ Thanh. Hy vọng đây sẽ là địa chỉ văn hóa ý nghĩa, thu hút đông đảo mọi người đến du xuân, cảm nhận những nét độc đáo từ trang phục của người Việt Nam”, ông Dũng chia sẻ.

Gian trưng bày “Việt cổ phục” được bố trí theo hướng hoàn toàn “hoài cổ” từ bàn ghế, tranh ảnh, sách vở đến trang phục. Trong đó, chủ yếu là trang phục của người Việt Nam thời Hậu Lê và thời Nguyễn.

Gian trưng bày "Việt cổ phục" hoàn toàn ...hoài cổ

Theo ông Dũng, tại gian trưng bày, thời Lê có hai loại áo: giao lĩnh (cổ vạt chéo) và viên lĩnh (cổ tròn). Thời Nguyễn có áo ngũ thân tay thụng, áo ngũ thân tay chẽn. Riêng áo nhật bình hoàng hậu, công chúa thường mặc. Hoàng hậu thường mặc màu vàng. Riêng áo dành cho công chúa thì nhiều màu.

Lý giải về việc chỉ trưng bày, giới thiệu trang phục thời nhà Lê và nhà Nguyễn, ông Lê Việt Dũng cho hay, đây là 2 triều đại phát tích tại xứ Thanh nên muốn tạo điểm nhấn cho người dân Thanh Hóa.

Chủ nhân của "Việt cổ phục" cho biết, Tết là dịp phù hợp nhất để giới thiệu văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục dân tộc

Ông Dũng hiện là thành viên của CLB “Đình làng Việt”, nơi tập hợp những người đam mê sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống. Tại Thanh Hóa, nhóm Việt cổ phục do ông Dũng khởi xướng đã quảng bá cho việc phục dựng áo ngũ thân cũng như trang phục truyền thống Việt Nam, giúp người yêu trang phục truyền thống xứ Thanh được trải nghiệm, chụp ảnh, đo, may áo. Riêng gian trưng bày, giới thiệu cổ phục Việt tại công viên Hội An sẽ mở cửa đón khách đến mùng 5 Tết Nguyên Đán Quý Mão. Du khách có thể chiêm ngưỡng, tìm hiểu các trang phục truyền thời Lê, thời Nguyễn cũng như thuê trang phục chụp ảnh, may đo tại đây.

Những năm gần đây, trào lưu phục dựng cổ phục Việt được nhiều người quan tâm

“Tôi hy vọng, việc làm này đồng thời cũng là một gợi ý để các di tích lịch sử văn hóa liên quan đến nhà Lê, nhà Nguyễn tại Thanh Hóa như Lam Kinh hay khu Gia Miêu Triệu Tường sẽ có gian trưng bày, giới thiệu các loại cổ phục này. Đặc biệt, vào các dịp lễ, tết, hướng dẫn viên, nhân viên tại các di tích nói trên có thể mặc trang phục này giới thiệu về lịch sử, văn hóa của nhà Lê, nhà Nguyễn ”, ông Dũng mong muốn.

Ông Dũng cho hay, nhiều du khách nước ngoài cũng thích thú với cổ phục Việt

Cũng theo tác giả của “Việt cổ phục” tại công viên Hội An, tới đây, nếu có điều kiện ông sẽ sưu tầm, phục dựng lại trang phục của các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại Thanh Hóa qua các thời kỳ, giúp cho mọi người hiểu hơn về truyền thống văn hóa đặc sắc của xứ Thanh.

Tại phiên bản phố cổ Hội An, TP Thanh Hóa còn có nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa trong dịp Tết Nguyên Đán

Ông Hoàng Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thành phố Thanh Hóa cho biết, dịp Tết Quý Mão, 9 gian nhà phiên bản dãy phố cổ Hội An sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa mang đậm phong vị Tết xưa. Cùng với “Việt cổ phục”, các hoạt động như cho chữ đầu xuân, biểu diễn thư pháp, trưng bày nhạc cụ truyền thống, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của xứ Thanh… hy vọng sẽ trở thành điểm du xuân hấp dẫn của du khách.

Áo viên lĩnh cổ tròn thời Lê

Áo giao lĩnh cổ chéo

Áo nhật bình thời Nguyễn, công chúa, hoàng hậu thường mặc 

Trưng bày sách viết về cổ phục Việt

Toàn cảnh gian trưng bày, giới thiệu Cổ phục Việt