Vi phạm Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

Từ 6h ngày 24/7, TP. Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách toàn thành phố theo nguyên tắc Chỉ thị 16 nhằm siết chặt việc phòng chống dịch Covid-19.

Những hành vi nào vi phạm Chỉ thị 16 và bị xử phạt thế nào?

Tối 23/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký, ban hành chỉ thị về việc "Thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19". Động thái nêu trên được UBND TP Hà Nội lý giải nhằm đảm bảo an toàn cho thủ đô, an toàn và sức khỏe cho nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến hết sức phức tạp.

Theo đó, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố, tỉnh cách ly với thành phố, tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Với mục đích thực hiện nghiêm túc việc thực hiện Chỉ thị 16 để phòng dịch, người dân chỉ ra đường khi cần thiết. Các cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử phạt khi vi phạm. 

Theo luật sư Nguyễn Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), căn cứ Điều 12 Nghị định 117/2020, người dân ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng do “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”.

Việc không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách 2 mét nơi công cộng cũng bị xử phạt 1 - 3 triệu đồng. 

Luật sư Nguyễn Minh Hùng cho biết, người dân tập trung quá 2 người (theo Chỉ thị 16) nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính 10 - 20 triệu đồng/người.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng nếu không tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu để phòng chống dịch sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng.

Về thẩm quyền xử phạt, Nghị định 117/2020 quy định: Chủ tịch UBND cấp xã (xử phạt đến mức 5 triệu đồng). Trên mức xử phạt 5 triệu đồng thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận/huyện/TP, Chánh thanh tra Sở Y tế, trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng công an cấp tỉnh...

Đường phố Hà Nội vắng bóng người trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16

Trường hợp người dân được ra ngoài khi thực hiện Chỉ thị 16

Chính quyền yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.

Người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng. Khai báo y tế hàng ngày trên tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone; liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...

Thành phố đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các trường hợp sau: Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn.

Các cơ sở trong diện không phải tạm dừng hoạt động còn có: Cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cở sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...); chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.

Tang lễ chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng.

Các cơ sở được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu phải đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng; yêu cầu kiểm soát toàn bộ người đến mua hàng, sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QRCode.

Các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài khu/cụm công nghiệp phải đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương về số lượng, danh sách lao động, phương án đảm bảo sản xuất an toàn phòng chống dịch, thời gian hoạt động sản xuất.

Chủ tịch các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm toàn diện, triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại khu/cụm công nghiệp, đảm bảo hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy; quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân.

Nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ: sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ" hoặc "một cung đường 2 điểm đến".

Các cơ quan, công sở, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (trừ các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp bách...) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Những trường hợp thật sự cần thiết mới đến làm việc tại công sở, như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật...

Thành phố dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ôtô, đường thủy: Xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe môtô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe "ôm").

Quy định dừng các hoạt động vận tải hành khách nêu trên chỉ trừ các trường hợp: Phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ