U ám, rợn người trong biệt phủ 60 năm bỏ hoang của Ngô Đình Cẩn

Ngôi biệt thự của Ngô Đình Cẩn được công nhận là Di tích cấp Quốc gia nhưng bị bỏ hoang gần 60 năm nay khiến cây cỏ mọc um tùm, quang cảnh u ám rợn người.

Tọa lạc ở đường Thiên Thai, phường An Tây, TP Huế, nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993, cùng với khu chứng tích Chín Hầm.

Tấm bảng chỉ dẫn vào Di tích quốc gia nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn được đặt bên ven đường Thiên Thai bị cây xanh che phủ. Ngay cổng vào biệt thự cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Một số cây như mít, phượng, hoàng lan... ra quả đều hàng năm

Nằm trên khu đất gần 8.000 m2, nhà chứng tích trước đây của ông Bát Tấn (người Sài Gòn), sau đó được bán lại cho một quan triều Nguyễn và bán tiếp cho thương nhân người Hoa Lý Lâm Tinh. Năm 1956, ông Tinh chuyển lại toàn bộ khu đất cho em trai Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Cẩn để xây khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.

Sau đó, ông Ngô Đình Cẩn (1911 - 1964) đã cho xây dựng nhiều công trình như khu biệt thự hai tầng, nhà thủy tạ, hồ khánh nguyệt, cổng vò, suối đá, giếng nước, vườn cây ăn quả. Được anh trai giao quản lý miền Trung và Tây Nguyên, ông Cẩn ở biệt thự này để tiện theo dõi việc giam cầm, tra tấn các chiến sĩ cách mạng ở Chín Hầm.

Diện tích căn biệt thự rộng khoảng 450 m2, được xây bằng bê tông cốt thép, đổ mái bằng, phía trên lợp ngói. Hiện mái ngói, hoa văn trang trí đã hư hỏng. Năm 1964, sau khi Ngô Đình Cẩn bị tử hình, biệt thự trở nên hoang vắng. Phần mái xuống cấp, một số cấu kiện bê tông đã bị hư hỏng, hoang phế

Khu vực tầng một của biệt thự trở thành chuồng nhốt trâu bò của người dân trong vùng.

Qua vài chục năm, các cấu kiện phía trong vẫn còn khá tốt, không bị dột, màu tường vẫn sáng. Tuy nhiên, do không được chăm sóc, nhiều nơi ở tầng hai căn biệt thự nhìn nhếch nhác, rêu phủ kín

Nhà thủy tạ kết hợp với hòn non bộ được làm bằng đá tổ ong, đá gan gà, qua thời gian bị rêu mốc cỏ cây mọc um tùm, nhiều hạng mục không còn nguyên vẹn.

Theo lãnh đạo Bảo tàng lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị quản lý Nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn, hiện nay đơn vị đã lập hồ sơ báo cáo, xin ngân sách để xây dựng hàng rào bảo vệ khu chứng tích. Riêng việc tổ chức trưng bày các hiện vật hoặc tổ chức tham quan tại Nhà chứng tích chưa triển khai được. “Lực lượng mỏng nên không có người túc trực, trông nom thường xuyên. Hàng tháng, đơn vị chỉ tổ chức phát quang cây cối xung quanh và đóng cọc khu vực di tích để ngăn người dân lấn chiếm đất”, đại diện Bảo tàng lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết

Mặc dù được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia gần 30 năm nhưng trên thực tế nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn không được bảo quản dẫn đến việc xuống cấp nhanh trong nhiều năm qua.