Từ vụ học sinh đột tử sau giải chạy, bác sĩ khuyến cáo gì?

Theo các bác sĩ, đột tử trên đường chạy không phải hiếm gặp, nếu người tập không đảm bảo an toàn tập luyện, không kiểm tra, sàng lọc sức khỏe,… có thể gây ra nhiều nguy hiểm.

Mới đây, một sinh lớp 9 tại Chương Mỹ, Hà Nội sau khi tham gia giải chạy bộ của xã bị đột quỵ và sau đó đã tử vong đang dấy lên nhiều lo ngại cho các bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng đột quỵ hay thậm chí là ngừng tim dẫn đến đột tử khi nạn nhân đang hoạt động thể thao không phải hiếm gặp. Có những tai nạn xảy ra trên sân bóng, trên đường chạy, trong phòng tập gym...; người khỏe mạnh đang tập bỗng ngã gục xuống, ngừng tim.

Tình trạng đột quỵ khi chạy không phải là hiếm gặp (Ảnh minh họa)

80% trường hợp đột tử khi chơi thể thao có bệnh lý tim mạch

Theo PGS Nguyễn Hoài Nam - Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết nguyên nhân đột tử khi chạy có thể do ba yếu tố:

Thứ nhất, là nguyên nhân từ bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim). Khi hoạt động quá sức khiến bệnh lý tái phát và dẫn đến đột quỵ.

Thứ hai, người chạy có thể bị bệnh lý tim hay mạch máu bẩm sinh mà bản thân họ cũng không biết. Nguyên nhân này thường gặp ở người trẻ tuổi tử vong.

Thứ ba, vận động viên có thể bị sốc nhiệt trên đường chạy. Sốc nhiệt là bị rối loạn thân nhiệt do quá nóng, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Đồng quan điểm, PGS.TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam nhận định, những người chạy bộ xảy ra tai biến dẫn đến đột quỵ chủ yếu là do có vấn đề về huyết áp, bệnh lý tim mạch. Khi hoạt động quá sức khiến bệnh lý tái phát và dẫn đến đột quỵ.

Cụ thể khi chạy bộ, nhịp tim thay đổi, đập nhanh hơn, nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến nhịp tim, huyết áp tăng nhanh, xuất hiện các cơn thiếu máu lên não. Có thể sau vài phút người bệnh sẽ trở lại trạng thái bình thường nhưng đây chính là dấu hiệu dự báo cơn đột quỵ nguy hiểm sắp xảy ra.

Thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ. Cũng có những người có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì không đi khám hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa, không được phát hiện.

Người tham gia thể thao cần kiểm tra sức khỏe trước khi tập luyện (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, có những trường hợp hoàn toàn khỏe mạnh, đi khám sức khỏe, làm các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, chụp phim tim phổi thậm chí siêu âm tim cũng không thể hiện bất thường về tim.

Vì kích thước tim có thể vẫn bình thường, chức năng co bóp tốt nhưng trên điện tâm đồ có thể có dấu hiệu gợi ý về các bệnh lý dễ gây ngừng tim như: hội chứng Brugada, hội chứng QT dài, hội chứng WPW... Đây là những bệnh lý có tính chất gia đình. Tuy nhiên, do bệnh biểu hiện khá kín đáo, nên có thể, bác sĩ không chuyên về tim mạch sẽ không để ý, không phát hiện ra bệnh.

Lưu ý ngừa đột quỵ khi chạy bộ, chơi thể thao

PGS. BS Nguyễn Tường Kha khuyến cáo, tập thể dục nâng cao sức khỏe là rất tốt. Tuy nhiên nếu chúng ta không đảm bảo an toàn tập luyện, không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó thì có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp. Thậm chí gây nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người bình thường trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào đều cần phải kiểm tra thể lực. Chúng ta có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp… Nếu có vấn đề gì bất thường, người dân được tư vấn chọn môn tập và chọn lượng vận động phù hợp, nếu không có thể xuất hiện các bệnh lý, tai biến.

Ngoài ra, trước bất cứ hoạt động thể dục thể thao nào, mỗi người cần dành thời gian khởi động làm nóng cơ thể, để cơ thể có thời gian thích nghi với hoạt động gắng sức.