Trầm cảm vì con gái 30 tuổi chưa chịu kết hôn

Luôn thấy mình thua kém, nghĩ rằng mình bị mọi người bàn tán vì cô con gái duy nhất đã 30 tuổi vẫn chưa kết hôn, một bà mẹ đã rơi vào tình trạng trầm cảm nặng.

Theo chia sẻ trên Đài truyền hình Giang Tô, Trung Quốc, bác sĩ Gao Panyue cho biết mình và các đồng nghiệp đang điều trị cho trường hợp một nữ bệnh nhân phải vật lộn với khủng hoảng kéo dài vì quá lo lắng về việc hôn nhân của con gái.

Theo đó, bệnh nhân Zhao 59 tuổi có duy nhất một cô con gái nay đã 30 tuổi nhưng vẫn chưa lấy chồng. Điều này khiến người mẹ cảm thấy thua kém và nghĩ rằng mọi người xung quanh đang bàn tán về mình chỉ vì con gái vẫn còn độc thân. 

Bà Zhao thường xuyên tranh cãi với con gái về việc kết hôn. Mỗi khi không thuyết phục được người con gái hướng nội của mình tìm bạn đời, bà chỉ biết khóc.

Phải sau một thời gian được bác sĩ lập phác đồ điều trị chuyên nghiệp, tình trạng của bà Zhao mới dần được cải thiện.

Người mẹ phải đền gặp bác sĩ vì quá lo lắng cho chuyện kết hôn của con.

Câu chuyện của bà Zhao sau khi được chia sẻ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cư dân mạng. Mọi người bàn luận rất nhiều về áp lực kết hôn đến từ cha mẹ mà thanh niên Trung Quốc phải chịu đựng.

Năm 2021, Trung Quốc từng xôn xao về trường hợp một phụ nữ trẻ được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm vì áp lực kết hôn từ gia đình. Cô gái ở tuổi 30 này bị cha gọi là “hàng mất giá” vì còn độc thân.

Thực tế, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2022, chỉ có 6,83 triệu cặp đôi lấy nhau. Đây là năm thứ 9 liên tiếp tỷ lệ kết hôn giảm. Trước đó, lần cuối cùng con số kết hôn ở mức thấp tương tự là năm 1979, với 6,37 triệu cặp đôi.

Theo dữ liệu điều tra dân số Trung Quốc, độ tuổi kết hôn lần đầu tiên trung bình đã tăng từ 24,89 vào năm 2010 lên 28,67 năm 2020. Một cuộc khảo sát khác với 2.905 thanh niên chưa kết hôn cho thấy, tỷ lệ phụ nữ thành thị Trung Quốc trong độ tuổi 18 - 26 không muốn kết hôn là 44%, con số này ở nam giới là 25%.

Việc trì hoãn kết hôn, đặc biệt ở phụ nữ, là một quá trình tự nhiên trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và giáo dục đại học được mở rộng. Một thế hệ phụ nữ mới lớn lên quyết tâm sử dụng trình độ học vấn để gia nhập nền kinh tế và cạnh tranh để giành các cơ hội và nguồn lực. Phụ nữ Trung Quốc đã tạo ra những không gian mới cho mình trong xã hội và đạt được mức độ an toàn tài chính mà hầu hết phụ nữ ở thế hệ trước chỉ có thể đạt được thông qua hôn nhân.

Bên cạnh đó, các điều kiện kinh tế vĩ mô như giá nhà đất tăng cao hay áp lực việc làm cũng khiến nhiều người không muốn kết hôn sớm. Đối với hầu hết các cặp vợ chồng Trung Quốc, gánh nặng mua nhà thường đặt lên vai người chồng. Vì vậy, đối với nhiều đàn ông, không có nhà cũng có nghĩa là không thể cưới vợ.

Tỷ lệ kết hôn trong giới trẻ Trung Quốc đang sụt giảm một cách nghiêm trọng (Ảnh minh họa).

Một vấn đề khác khiến nhiều người e dè không muốn kết hôn, đó là chi phí sinh con. Theo Business Insider, ước tính chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi ở một thành phố đắt đỏ như Thượng Hải vào khoảng 1,99 triệu nhân dân tệ (hơn 309.000 USD). Trong khi tại Mỹ, chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi là 233.610 USD. 

Bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc cải cách truyền thống cưới hỏi và khuyến khích tiết kiệm, tiền sính lễ ở Trung Quốc vẫn rất cao, đặc biệt tại các vùng nông thôn, nơi số lượng đàn ông lớn hơn nhiều phụ nữ, đồng nghĩa nhiều người chắc chắn phải sống độc thân.