Thương binh hạng nhất được Thủ tướng tặng bằng khen, nuôi 5 con thành đạt

Mang trong mình nhiều vết thương bom đạn nhưng cựu chiến binh Nguyễn Đắc Tương vẫn nuôi dưỡng 5 người con thành đạt, 2 người làm Công an, một người kỹ sư cầu đường và 2 người học Đại học.

Nhìn người đàn ông già nua, đôi tay không nguyên vẹn hằng ngày vẫn vui vẻ, tích cực tham gia các phong trào trong thôn xã ít ai biết được gần 45 năm trước cựu chiến binh Nguyễn Đắc Tương (sinh năm 1954, trú tại thôn Đồng Lâm, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) từng bị thương rất nặng trong quá trình gỡ bom mìn cùng đồng đội.

Thương binh, cựu chiến binh Nguyễn Đắc Tương

Trong căn nhà lụp xụp với những tấm ngói đã dột nát ông Tương kể: "Tôi bắt đầu tham gia cách mạng năm 1968. Lúc mới vào tôi có nhiệm vụ cùng đồng đôi rà soát và gỡ bom mìn trên các căn cứ tại địa phương. Năm 1969, trong một lần quân đội Mỹ càn quét tôi bị phát hiện sau đó bị bắt và áp giải vào nhà giam ở Huế để tra khảo”.

Sau gần một tháng tạm giam, bị tra tấn đủ kiểu nhưng vẫn không lấy được thông tin gì nên họ đành thả ông về. Ai cũng nghĩ rằng những đòn tra khảo của địch sẽ khiến ông chùn bước. Nhưng không, sau ngày ấy, ngon lửa cách mạng trong ông như bùng cháy hơn thôi thúc ông tiếp tục tham gia vào hoạt động cách mạng. Đến khoảng tháng 6 năm 1976, trong một lầm gỡ bom mìn trên địa bàn Hương Điền (nay là huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) ông Tương không may bị trúng bom nổ dẫn đến chấn thương nặng và không còn biết gì. Đến năm 1980, cơ thể ông mới hồi phục phần nào.

Từng là anh lính du kích trẻ trung, năng động nhưng sau chiến tranh ông trở về với đôi tay không nguyên vẹn. Cơ thể cũng gánh chịu nhiều vết thương với đôi chân đi lại không bình thường. Cũng vì thế, suốt bốn năm trời, ba mẹ và anh chị đã trở thành đôi tay, đôi chân cho ông tiếp tục sống.

Biết hoàn cảnh của mình nên ông không dám tiến tới cùng ai. Tuy nhiên cảm động trước sự hy sinh, mất mát quá lớn của ông Tương, người phụ nữ làm công tác dân vận Nguyễn Thị Túy (sinh năm 1955, trú cùng thôn) đã đem lòng yêu thương và muốn cùng ông xây dựng gia đình. Trước sự yêu thương lo lắng của người thân, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Đắc Tương như có thêm nghị lực để vượt qua nghịch cảnh. Ông bắt đầu học cách làm ruộng, chăn nuôi lợn, gà để dần ổn định cuộc sống.

“Để vượt qua bao nhiêu sóng gió, thử thách tôi phải nhờ sự giúp đỡ của nhiều người từ gia đình, bà con hàng xóm và cả chính quyền địa phương. Sự động viên, giúp đỡ kịp thời đó đã giúp tôi vững tin hơn vào cuộc sống”, ông Tương tâm sự.

Sau bao năm lam lũ, miệt mài lao động người cựu chiến binh can trường ngày nào đã tạo dựng cho mình cuộc sống đầy đủ. Nhờ những đồng lương chế độ ít ỏi của mình ông đã gây dựng được mô hình kinh tế mới, dần có điều kiện chăm lo chu toàn cho những đứa con khôn lớn, trưởng thành.

Năm 2019 cựu chiến binh Nguyễn Đắc Tương được Thủ tướng chính phủ trao tặng bằng khen vì những thành tích xuất sắc

Thấu hiểu và thương cảm hoàn cảnh của bố, các con ông đã không ngừng vươn lên trong học tập và đỗ đạt, giữ các chức vụ, công việc ổn điịnh. Trong 5 người con trai của ông, có đến 2 người đang làm trong lực lượng Công an nhân dân. Người con trai trưởng đang làm kỹ sư cầu đường cho một Công ty xây dựng có tiếng trên địa bàn, hai người còn lại một đang lao động tự do và một đang theo học tại trường Đại học an ninh. Với ông, khi đã vào tuổi xế chiều nhìn thấy con cái ngoan ngoãn, thành đạt ông đã có thể nở nụ cười mãn nguyện.

Chia sẽ với PV, ông Nguyễn Văn Lương – Trưởng phòng Lao động – Thương binh Xã hội huyện Phong Điền cho biết, cựu chiến binh Nguyễn Đắc Tương  là một trong những người tiêu biểu tại địa phương. Dù là thương binh hạng nhất nhưng ông luôn lạc quan, nuôi dạy những người con của mình sống có ích cho xã hội. Tinh thần lạc quan, lối sống tích cực, gương mẫu của người hội viên này rất đáng được tuyên dương.

Được biết, hiện nay cựu chiến binh Nguyễn Đắc Tương là Phó Chủ tịch hội khuyết tật xã Phong An. Năm 2019, ông được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong lao động sản xuất , vượt khó vươn lên chiến thắng thương tật đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

-> Cựu chiến binh viết hàng trăm bức thư tình gửi vợ từ chiến trường