Thanh Hóa thực hiện “mục tiêu kép” phòng chống dịch và phát triển kinh tế

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh Thanh Hóa vẫn đứng trong nhóm cao của cả nước.

Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thăm và động viên, chia sẻ với người lao động trong doanh nghiệp

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết, 9 tháng năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19; song với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực.

Theo đó, Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, không để bùng phát, lây lan ra diện rộng; kiện toàn Ban Chỉ đạo, thành lập các tiểu ban giúp việc, các tổ điều phối phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 tỉnh; thành lập Bệnh viện điều trị Covid-19 và các chốt kiểm soát liên ngành tại các đầu mối giao thông trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn khi có các ca F0 trong cộng đồng, các cấp, các ngành đã thần tốc truy vết, khoanh vùng các ổ dịch, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện giãn cách xã hội đối với địa phương có ổ dịch; tổ chức giám sát, truy vết các trường hợp nghi ngờ, F1, F2 và các trường hợp trở về từ vùng dịch, các trường hợp nhập cảnh trái phép để có biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Công tác tiêm chủng vắc-xin trên địa bàn tỉnh được triển khai theo kế hoạch, đến ngày 24/9/2021, đã tiêm được 490.005 liều, đạt 99,03% số liều được cấp. Công tác huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch được đẩy mạnh, tính đến hết ngày 24/9/2021, đã huy động được 161,5 tỷ đồng tiền mặt; 4 xe ô tô cứu thương và xét nghiệm lưu động; 15 phòng xét nghiệm Sars-Cov-2; 51 máy thở; 2.468.000 bộ kít xét nghiệm…hỗ trợ trên 17 tỷ đồng và 2.300 tấn hàng hóa cho các tỉnh, thành trong cả nước.

Ông Đầu Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Có thể nói công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt kết quả tốt, các ca bệnh dương tính với Sars-Cov-2 đều được phát hiện sớm và giám sát, xử lý triệt để ngay từ đầu, hạn chế tối đa số trường hợp tiếp xúc F1, F2 và không để dịch lây lan diện rộng. Đồng thời có phương án trong công tác phòng chống dịch lâu dài trên địa bàn, cũng như thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phụ hồi phát triển kinh tế xã hội”.

Về phát triển kinh tế - xã hội, 9 tháng năm 2021 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,06%; trong đó nhiều lĩnh vựa đạt và tăng như: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,43%; công nghiệp - xây dựng tăng 14,23% (công nghiệp tăng 15,91%); dịch vụ tăng 2,77%; thuế sản phẩm tăng 2,85%. Đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, đứng trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước.

9 tháng năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt 24.400 tỷ đồng, bằng 92% dự toán năm

Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 9 tháng ước đạt 102.914 tỷ đồng, bằng 73,5% kế hoạch. Đã thu hút được 73 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 21.853 tỷ đồng và 42,7 triệu USD; có 5 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng 14,8 triệu USD. Công tác quản lý, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công đạt kết quả tích cực. Tính đến ngày 27/9/2021, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 7.459 tỷ đồng, bằng 74,4% kế hoạch; giá trị giải ngân ước đạt 8.114 tỷ đồng, bằng 83,5% kế hoạch, gấp 2 lần tỷ lệ giải ngân trung bình của 63 tỉnh, thành phố (42%) và đứng thứ 2 trong số các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước (theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính).

Trong 9 tháng 2021 có 2.072 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bằng 69,1% kế hoạch, tăng 9,3% so với cùng kỳ, đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới, vốn điều lệ đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 13,4%; có 837 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động.

Công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 9 tháng tiếp tục đạt được kết quả quan trọng trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 24.400 tỷ đồng, bằng 92% dự toán năm và tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó, thu nội địa ước đạt 15.399 tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 20%. Hầu hết các lĩnh vực thu đều tăng cao so với cùng kỳ, như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32%, thu tiền sử dụng đất tăng 19%, thu từ phí, lệ phí tăng 39%. Chi ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2021 ước đạt 26.327 tỷ đồng, bằng 81% dự toán và giảm 0,4% so với cùng kỳ, đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh…

Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra từ đầu năm, trong bối cảnh của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, do đó tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành phải nêu cao quyết tâm, tập trung cao độ, chủ động, sáng tạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh đề ra, trong đó, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm như: Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và duy trì đà phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Các cấp, các ngành rà soát, xác định các nhiệm vụ còn lại của 3 tháng cuối năm; làm rõ nguyên nhân đối với những chỉ tiêu còn khó đạt kế hoạch để rà soát, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế bền vững của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 thích ứng với lộ trình kiểm soát dịch bệnh, trọng tâm là phục hồi ngành du lịch, dịch vụ và các ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Tiếp tục theo dõi, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo phương châm “an toàn để sản xuất và sản xuất phải an toàn”, không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, nguyên liệu sản xuất. Tranh thủ tình hình dịch bệnh ổn định để thu hút đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất các ngành khu vực phía Nam đang bị ảnh hưởng để chiếm lĩnh thị trường, tạo việc làm cho lao động trở về từ các tỉnh phía Nam.