Quy hoạch Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030: Quỳnh Lưu trở thành vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm phía Bắc

Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030 đưa địa phương này trở thành trung tâm, cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ; đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, năm 2050 trở thành tỉnh phát triển toàn diện.

Thông tin với Gia đình Việt Nam sáng nay (15/11), Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, ông Thái Thanh Quý cho hay Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chính thức thông qua Dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh Nghệ An.

"Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thông qua với 27/27 phiếu thuận. Quan điểm của tỉnh chất lượng quy hoạch là mục tiêu hàng đầu để phát triển bền vững" - ông Thái Thanh Quý nói.

Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xây dựng địa phương phát triển xứng tầm với vai trò là tỉnh trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ; trong đó phát triển kinh tế được xác định là trung tâm; phát triển văn hóa là nền tảng.

Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững. Là trung tâm thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ. Đến năm 2050, Nghệ An trở thành tỉnh phát triển toàn diện, thu nhập cao, văn minh hiện đại của cả nước.

TP.Vinh là trung tâm của vùng động lực Bắc Trung Bộ

Định hướng phát triển trọng tâm của Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định gồm: 2 khu vực động lực tăng trưởng, 3 đột phá chiến lược; 4 hành lang kinh tế; 5 lĩnh vực trụ cột phát triển, 6 trung tâm đô thị.

Trong đó, 2 khu vực động lực tăng trưởng được xác định là TP.Vinh mở rộng (sáp nhập TX.Cửa Lò cùng một số xã của huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên) và Khu kinh tế Nghệ An (mở rộng).

3 đột phá chiến lược gồm: Hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu phát triển. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người Nghệ An.

4 hành lang kinh tế: ven biển phía Đông (gắn với trục Quốc lộ 1, Cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển); đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 7; Quốc lộ 48A.

5 lĩnh vực trụ cột phát triển là: công nghiệp; thương mại, dịch vụ; du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

6 trung tâm đô thị gồm: đô thị Vinh mở rộng là trọng tâm; đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu); đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với huyện Nghĩa Đàn); đô thị Diễn Châu; đô thị Đô Lương; đô thị Con Cuông.

Quỳnh Lưu được xây dựng trở thành vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm phía Bắc của tỉnh Nghệ An

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Nghệ An còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển. Quy hoạch tỉnh Nghệ An phải làm sao để khai thác hết tiềm năng và xây dựng, phát triển tỉnh trở thành vùng động lực, đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa của vùng Bắc Trung Bộ.

"Phải làm rõ các điểm nghẽn mang tính cản trở phát triển của tỉnh; đồng thời làm rõ vai trò, vị trí, tầm nhìn của Nghệ An đối với việc xác định là trung tâm của vùng động lực Bắc Trung Bộ. Đặc biệt là xây dựng TP. Vinh là đô thị biển, là trung tâm của cả vùng Bắc Trung Bộ" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được hội đồng thẩm định thông qua sẽ được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ.