Nữ giới ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số trong chăm sóc SKSS/SKTD, bình đẳng giới

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, IPPF và Hội KHHGĐ Việt Nam đã tôn vinh những người phụ nữ đang tạo ra sự khác biệt trong lĩnh vực chăm sóc SKSS/SKTD và Quyền.

Những người này không chỉ đấu tranh cho quyền của phụ nữ mà họ còn đang tạo ra những tác động lớn trong cộng đồng.

Trong hệ thống Hội, họ là những người đi đầu trong hành trình hướng tới sự đổi mới về công nghệ và kỹ thuật số, giúp trao quyền cho nhiều phụ nữ hơn tiếp cận các dịch vụ trực tuyến trong chăm sóc SKSS/SKTD mà không phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội.

Bà Phan Mai Thuận – Trưởng phòng truyền thông Hội KHHGĐ Việt Nam cho hay: “Công nghệ kỹ thuật số đối với tôi là một điều kỳ diệu - nó có thể tăng độ chính xác và hiệu quả, thực hiện các nhiệm vụ tốt hơn, cải thiện quá trình ra quyết định, mở ra cơ hội nâng cao nhận thức trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống và nói chung là làm cho cuộc sống và công việc của phụ nữ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Do đó, đổi mới kỹ thuật số và công nghệ cũng có thể giúp thúc đẩy bình đẳng giới”.

Bà Phan Mai Thuận – Trưởng phòng truyền thông Hội KHHGĐ Việt Nam

Theo bà Thuận, với sự trợ giúp của công nghệ kỹ thuật số, phụ nữ và trẻ em gái có thể loại bỏ một số rào cản để theo đuổi các cơ hội giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tìm kiếm cơ hội việc làm, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết và được lắng nghe tiếng nói của mình. Đặc biệt với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, công nghệ số đã tiếp thêm nghị lực để họ vượt lên số phận, thay đổi cuộc đời.

Ngoài ra, cuộc cách mạng kỹ thuật số được đặc trưng bởi trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và điện toán đám mây có thể cải thiện sự tham gia của phụ nữ vào đời sống kinh tế và nâng cao quyền tự chủ kinh tế và xã hội của phụ nữ.

Bác sĩ Phan Hoàng Anh Đào – Giám đốc phòng khám Hội KHHGĐ TP Đà Nẵng đã áp dụng tốt mô hình cung cấp thông tin và chăm sóc sức khỏe Điện tử, Kỹ thuật số và Công nghệ thông tin đối với bình đẳng giới:

Thực hiện được truyền thông diện rộng qua các trang thông tin điện tử ( báo điện tử, các nền tảng ứng dụng như Facebook, zalo, whatsApp …)

Khắc phục được khoảng cách địa lý (cán bộ tư vấn, cán bộ y tế có thể cung cấp thông tin, tư vấn, hướng dẫn từ xa…)

Bảo đảm bí mật khách hàng, sự riêng tư đối với các trường hợp cần thiết khi tư vấn trực tuyến một-một, rất thuận tiện.

Thời gian linh hoạt, có thể thực hiện theo nhiều khung giờ.

Bác sĩ Phan Hoàng Anh Đào – Giám đốc phòng khám Hội KHHGĐ TP Đà Nẵng

“Cá nhân tôi vẫn thường xuyên cung cấp thông tin và tư vấn cho nhiều người qua Facebook, Zalo, trang thông tin điện tử tại một số nhà máy, thu thập, tham khảo số liệu về bình đẳng giới qua báo cáo của các cơ quan chức năng tại địa phương trên các trang web, báo mạng để có kế hoạch hoạt động phù hợp” – Bác sĩ Đào chia sẻ.

Đoàn Thu Nga – Thanh niên tình nguyện Hội KHHGĐ Việt Nam nói: “Đối với tôi, công nghệ giúp tôi tiếp cận bình đẳng giới, nó cũng giúp tôi truyền bá thông tin về CSE và SKSS/SKTD, nâng cao nhận thức cho thanh niên đến giới trẻ. Nhờ đổi mới công nghệ, phụ nữ có nhiều công cụ để truy cập thông tin trên các nền tảng trực tuyến nhằm bảo vệ sức khỏe sinh sản và nâng cao nhận thức về các biện pháp tránh thai một cách dễ dàng”.

Đoàn Thu Nga – Thanh niên tình nguyện Hội KHHGĐ Việt Nam

Thu Nga tin tưởng rằng, với sự phát triển của công nghệ và nhiều chiến dịch truyền thông xã hội, khoảng cách giới trong cộng đồng của chúng ta sẽ ngày một thu hẹp, tỷ lệ lạm dụng tình dục hoặc bạo lực sẽ giảm đi và các cô gái trẻ có thể tiếp cận kiến thức tổng quan về giáo dục giới tính một cách toàn diện.