Nông dân lái xe từ thiện, vận chuyển hơn 1.000 ca bệnh mỗi năm

Đến xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ hỏi về đội xe cứu thương từ thiện, không ai còn lạ lẫm với những người nông dân hiền hậu, suốt cả cuộc đời gắn liền với công việc làm thiện nguyện.

Đội xe từ thiện chuyển hơn 1000 ca bệnh mỗi năm

Ông Nguyễn Văn Tác (50 tuổi), đội trưởng đội xe cứu thương từ thiện của xã Trung Hưng cho biết, 17 năm trước, xã Trung Hưng còn là một vùng quê nghèo, vì đường sá chưa thuận tiện nên mỗi lần có ai đau ốm muốn đi bệnh viện rất khó khăn. Mỗi lần gặp trường hợp đau ốm như thế là ông tình nguyện đến giúp ngay. Cũng từ đó, ông bắt đầu công việc chở người bệnh thiện nguyện của mình.

Ông Nguyễn Văn Tác (50 tuổi), đội trưởng đội xe cứu thương từ thiện của xã Trung Hưng. Ảnh: TP

Thấy được việc làm hào hiệp nghĩa nhân trên, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp, đến nay xã Trung Hưng có bốn chiếc xe cấp cứu. Nhiều tài xế đăng ký vào lực lượng lái xe miễn phí bất kể ngày đêm. Vậy là đến nay, mô hình Đội xe cứu thương tình nguyện đã có hơn  20 thành viên tham gia.

Ông Bùi Thanh Huỳnh (45 tuổi) – thành viên đội xe cứu thương cho biết: Mỗi tháng, đội lái xe chuyển được trung bình khoảng 75 ca bệnh, có tháng chuyển được hơn 100 ca. Mỗi năm, đội lái xe chuyển hơn 1.000 ca bệnh. Thường chuyển bệnh sẽ theo yêu cầu của bệnh nhân, khi thì chở đến An Giang, TP.HCM, có khi chở bệnh nhân ra tận Hà Nội.

Nông dân tình nguyện hiến tạng

Đặc biệt, hơn 17 thành viên của đội xe từ thiện xã Trung Hưng đã đăng ký hiến tạng cho y học. Ông Nguyễn Văn Tác cũng là người khởi xướng việc hiến tạng.

Một số thành viên trong đội xe thiện nguyện cùng ông Tác.

Ông Tác chia sẻ: "Vào năm 2018, tôi chở bệnh nhân nghèo lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM để cấp cứu thì thấy tại đây có nhiều người đăng ký hiến tạng. Tôi về suy nghĩ tại sao mình không làm như vậy, để khi mình mất đi còn có thể giúp nhiều người nên sau đó tôi đi đăng ký hiến tạng ngay.

Nghề nghiệp của anh em trong đội xe đa phần là tài xế, nông dân nhưng với nghĩa cử cao đẹp hiến tạng cứu người nhiều người dân địa phương hưởng ứng theo".

Anh Bùi Thanh Vũ (22 tuổi), một trong những người đăng ký hiến tạng của đội xe chia sẻ: Hầu hết, mọi người đều có suy nghĩ khi chết thì xác phải nguyên vẹn, không mất đi để đầu thai kiếp khác thân thể lành lặn, không khiếm khuyết. Vì thế, nhiều người muốn hiến tạng nhưng bị các thành viên trong gia đình phản đối. Tuy nhiên, sau khi được giải thích ý nghĩa cao cả của việc làm này thì nhiều nông dân đã tình nguyện xin được tham gia, với mong muốn mang đến cơ hội sống cho những người kém may mắn.

“Mặt trời lặn không có nghĩa là mất, người ra đi gieo mầm sống cho đời, chúng tôi mong rằng sau khi mình mất đi, nhưng một phần cơ thể của mình lại có thể cứu sống được những cuộc đời khác” - ông Đặng Văn Giỏi, thư ký đội xe cứu thương tâm sự.

Chia sẻ về việc làm nhân văn nói trên của đội xe, ông Đỗ Thanh Hưng - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trung Hưng cho biết: “Tôi đánh giá rất cao việc làm của đội xe. Gần đây, đội xe đã đăng ký hiến tạng, hiến xác cho y học và đang vận động mọi người cùng thực hiện việc làm nhân văn này. Xã sẽ luôn tạo điều kiện để tổ xe hoạt động và cũng sẽ quan tâm, kêu gọi sự ủng hộ để đội xe được hoạt động tốt hơn”.

Ngoài những nghĩa cử cao đẹp trên, đội xe cứu thương tình nguyện còn xây dựng trên 20 căn nhà tình thương cho người nghèo; giúp đỡ tiền, quà để hàng chục học sinh không bỏ học giữa chừng; xây dựng hàng chục cây cầu, hàng trăm km đường giao thông nông thôn... Đặc biệt, nhiều thành viên của đội xe đã hàng trăm lần hiến máu, hiến tiểu cầu; riêng ông Tác còn nhận thêm giấy chứng nhận kỷ lục hiến máu tình nguyện.