Nỗi đau sau những “tổ lái”

Đua xe, bốc đầu... đang được một bộ phận giới trẻ coi chiến tích để khoe với bạn bè trên mạng xã hội. Rất tiếc đã có không ít tai nạn đau lòng xảy ra để lại nỗi đau kéo dài cho người thân.

Đã nhiều năm trôi qua, chị Trần Thị Đào (tỉnh Thái Nguyên) vẫn chưa nguôi được nỗi đau khi mất đi người con trai mới 14 tuổi. Em đã mãi mãi ra đi sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Chị Đào kể lại, ngày chị biết tin con trai tử vong do tai nạn giao thông, lòng chị đau như đứt từng khúc ruột.

“Do trong độ tuổi mới lớn, cháu có chút nghịch ngợm nên cùng nhóm bạn tụ tập rồi đua xe, bốc đầu nhưng không may va vào cột điện. Cú văng mạnh khiến cháu tử vong tại chỗ.

Biết là họa con mình tự gây ra nhưng từ khi cháu mất, tôi không thể ăn nổi một bát cơm. Suốt ngày tôi chỉ nhớ nó thôi. Giá như hôm ấy nó đừng đi thì chắc sẽ không có chuyện này”, chị Đào nước mắt chảy dài kể.

Không ít vụ tai nạn để lại nhiều thương vong do các "quái xế" đưa xe, đánh võng (Ảnh minh họa)

"Giá như" - hai từ mà nhiều người đã phát thốt lên sau mỗi “bản án” dành cho những kẻ coi thường pháp luật cũng như tính mạng của bản thân và người khác. Thế nhưng, sở thích nguy hiểm bất chấp vi phạm pháp luật như thế này vẫn diễn ra khá phổ biến, thậm chí cướp đi tính mạng của những người vô tội.

Gần 10 năm qua là ngần ấy thời gian gia đình bà Nguyễn Thị Hoe (Hải Dương) phải chịu nhiều cay đắng và ám ảnh sau nỗi đau của vụ tai nạn giao thông đã cùng lúc cướp đi người con trai và con dâu của bà.

Nỗi đau cứ dai dẳng khi kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, 3 đứa cháu đang tuổi ăn học bỗng chốc mồ côi cả cha lẫn mẹ, chỉ biết nương tựa vào ông bà.

“Cứ nhìn thấy di ảnh của 2 con, tôi không còn tư tưởng gì để sống được. Hai đứa chúng nó chịu khó làm ăn, sống có đức thế mà vụ tai nạn ấy lại cướp chúng nó đi.

Giờ mất rồi, 3 đứa con bơ vơ, ông bà già, sức khỏe yếu kém cũng chẳng làm ăn được gì nữa rồi, đành chấp nhận đến đâu hay đến đó, cố gắng để nuôi 3 đứa cháu ăn học bằng chúng bạn, chúng nó đã quá khổ rồi”, bà Hoe nước mắt giàn giụa nói.

Đáng nói, vụ tai nạn ấy lại do 2 thanh thiếu niên mới chỉ có 15 - 16 tuổi gây ra. Chỉ vì tính thích thể hiện, nhóm thanh niên này đã đua xe, bốc đầu sau đó va vào chiếc xe máy của 2 người con bà. Cặp vợ chồng ấy ngã xuống đường nhưng không may bị một xe ô tô chèn vào người làm tử vong tại chỗ.

Nỗi đau của những người ở lại dai dẳng chẳng thể nguôi 

Ai cũng biết, theo quy tắc giao thông, những tình huống lái xe cẩu thả, tốc độ cao rất dễ gây ra va quệt hay tai nạn giao thông do xử lý không kịp. Bằng chứng là số lượng vi phạm và vụ tai nạn do hành vi này gây ra ngày càng nhiều. Hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông hàng đầu cho toàn xã hội cần được loại trừ.

Thế nhưng, mức xử lý hành chính hiện nay vẫn không sức đủ uốn nắn, ngăn chặn các đối tượng vi phạm. Chỉ khi xảy ra tai nạn giao thông mới cấu thành tội phạm hình sự thì đã quá muộn màng.

Theo chuyên gia tâm lý tội phạm Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, thời gian qua các cơ quan cũng đã xử lý những thanh niên vi phạm nhưng việc xử lý chưa đủ sức răn đe nhiều so với sức hút của mạng xã hội.

“Nếu chúng ta nói về giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông, giáo dục từ gia đình, nhà trường để trang bị cho các em những kỹ năng để hướng các em đến những hoạt động tích cực thì chúng ta đã làm từ lâu rồi nhưng thực sự chưa hiệu quả và cần làm đồng bộ. Nhưng cái trọng yếu nhất là xử phạt thật nặng để thay đổi nhận thức tới đây.

Tốt nhất với những trường hợp như vậy nên tịch thu phương tiện, kể cả người giao phương tiện cho thanh niên này cũng phải chịu liên đới trách nhiệm. Đặc biệt là các chủ mạng xã hội ở Việt Nam làm thể nào để thanh lọc các clip vi phạm pháp luật, mới tạo ra môi trường trong sạch trên không gian mạng. Và các cơ quan an ninh mạng cũng cần can thiệp để kịp thời xử lý những đối tượng này”, Tiến sĩ Đoàn Văn Báu kiến nghị.

 -->> Khoe "chiến tích" đua xe, bốc đầu trên mạng xã hội: Sống ảo nhưng hậu quả thật