Những trò "câu like" quái đản: Phúc XO, Khá Bảnh...từ khoe tài sản, clip "nóng" tới tự thiêu

Để có những nút like ảo đó, không ít người sẵn sàng dùng những chiêu trò, dàn dựng, tung tin đồn thất thiệt…và kết cục phải chịu hậu quả trước pháp luật.

Trường hợp một nam thanh niên mới đây dàn dựng một vụ tai nạn để “câu like” trên mạng xã hội đã ngay lập tức khiến chúng ta nghĩ về một thế hệ sống bằng những “nút like” trên Facebook. Thậm chí, để có những nút like ảo đó, không ít bạn trẻ sẵn sàng dùng những chiêu trò, dàn dựng, tung tin đồn thất thiệt…mà không biết rằng, không gian mạng cũng có những quy định nhằm đảo bảo an ninh, tuân thủ pháp luật.

Những trường hợp “câu like” gần đây đang trở nên ngày càng phản cảm, nhức nhối và để lại những hậu quả trầm trọng. Hãy cùng báo Gia đình Việt Nam điểm lại những “nhân vật câu like” đặc biệt được chú ý trong thời gian qua:

Khá Bảnh đốt xe, xăm trổ livestream khoe chiến tích xã hội

Hình ảnh Khá Bảnh trên Facebook được hàng ngàn lượt like 

Là một gã giang hồ với nhiều tiền án, tiền sự nhưng Khá Bảnh (Ngô Bá Khá) lại rất được chú ý nhờ những clip livestream ngông cuồng của mình. Đỉnh điểm là đoạn clip câu like đốt xe máy có giá hơn 70 triệu đồng. Hành vi tự hủy hoại tài sản cá nhân của Khá Bảnh bị xếp vào hàng câu like phản cảm khiến nhiều người tỏ ra phẫn nộ. Nhưng số đông lại rất thích thú và tỏ ra thần tượng nhân vật "giang hồ mạng" này.

Sau hàng loạt những hành động ngông cuồng của mình, cái kết của Khá Bảnh không mấy tốt hơn. Mới đây, gã giang hồ này đã một lần nữa bị bắt khi dương tính với chất ma túy, tổ chức đánh bạc và cho vay nặng lãi.

Phúc XO khoe vàng cả yến trên mạng xã hội, bị bắt về tổ chức sử dụng ma túy

Phúc XO "câu like" bằng việc khoe vàng 

Một hình thức câu like bẩn khác ở trên MXH thời gian qua cũng gây không ít dị nghị đó là khoe của một cách thái quá. Điển hình là nhân vật Phúc XO (Trần Ngọc Phúc, 36 tuổi, TP HCM), Phúc thường xuyên lên Facebook đăng tải hàng loạt những hình ảnh đeo hàng chục kilogram vàng trên người xuất hiện ở nơi công cộng. Thậm chí, trên Faebook của mình, Phúc không ngại khoe “lò luyện vàng” tại nhà, chiếc mũ bàng vàng khối hay dàn xe biển số ngũ quý đáng mơ ước…

Tuy nhiên, chỉ đến khi bị bắt vì hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, cư dân mạng mới vỡ lẽ,  tất cả trang sức đeo trên người là vàng giả, ngoại trừ nhẫn. Thậm chí, chiếc mũ “vàng” có chữ XO mà Phúc từng đăng lên mạng xã hội có giá… 1,8 tỉ đồng, gắn hàng trăm viên kim cương cũng là… vàng giả. Những chiếc mô tô phân khối lớn mạ vàng từng gây “dậy sóng” cộng đồng mạng cũng là Phúc nhờ người sử dụng decal để dán vào xe.

Theo lời khai của Phúc XO, mục đích Phúc tạo bề ngoài là người đeo nhiều “vàng”, đeo nhiều “trang sức vàng” khủng là để câu like, kiếm tiền.

Tự thiêu, khỏa thân, clip nóng để câu like

Một dòng trạng thái câu like phản cảm 

Cách đây vài ngày, những người dùng mạng không khỏi bất ngờ vì lời tuyên bố của tài khoản mang tên N.T. trên Facebook cá nhân: "Bức hình này đủ 40.000 like sẽ đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem".

Bài viết thu hút gần 100.000 like (thích) cùng hàng nghìn bình luận cổ vũ lẫn thách thức anh chàng thực hiện hành động nguy hiểm. Ngay sau đó, mạng xã hội xuất hiện clip nam thanh niên tự tẩm xăng, châm lửa cháy và nhảy xuống sông.

Sự việc chưa dừng lại ở đây khi lời thách thức này bắt đầu một trào lưu mang tên "Nói là làm". Nhiều bạn trẻ liên tục đăng tải những lời tuyên bố với hashtag #noilalam, và "ra giá" số like cần để đăng những bức ảnh hoặc video có nội dung gây sốc, phản cảm.

Một loạt những dòng chữ theo phong trào xuất hiện trên mạng: "Đủ 1.000 like sẽ mặc quần áo con gái đi vòng quận 8", "60 like và 15.000 share sẽ mặc đồ lót nhảy cầu và uống hết một ca nước sông", "Chỉ cần 10 like để phóng cả người và xe xuống cống".

Nhiều cô gái còn thản nhiên câu like bằng những bức ảnh hoặc clip nóng như "20.000 like, 500 share, 1.000 bình luận để xem video lột đồ", "5.000 like thôi sẽ chụp ảnh lộ nguyên vòng một tặng anh em".

Nói về vấn đề này, TS. Trương Văn Vỹ, giảng viên Xã hội học tội phạm Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP HCM, đã từng nhận định: “Việc tung tin thất thiệt tạo ra một xã hội rối loạn, người dân hoang mang. Chính những thông tin bịa đặt trên thế giới ảo đã góp phần làm cho con người chai sạn lòng trắc ẩn, luôn sống trong hoài nghi... Những thông tin không tốt này ảnh hưởng và tác động rất lớn đến cuộc sống, làm thay đổi những thang giá trị của con người. Ngoài mục đích thương mại (buôn bán like, câu view...), phần lớn những người tung tin không có thật thường có dấu hiệu của sự bất ổn về tâm lý, tinh thần lệch lạc, muốn nhiều người biết đến hoặc muốn được nổi tiếng”.

Kể từ ngày 1-1-2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực. Luật này quy định cụ thể 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, gồm:

Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:

a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này;

b) Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.

Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.