Nhộn nhịp cuối năm ở làng bánh tét mặt trăng Quảng Trị

Những ngày cuối năm, các cơ sở sản xuất bánh tét mặt trăng tại làng Đại An Khê (Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị) lại nhộn nhịp để kịp đơn hàng cuối.

Bánh chưng, bánh tét là những món ăn mang hương vị đặc trưng dịp Tết Nguyên đán không thể thiếu trong mâm cúng trời đất, ông bà tổ tiên cuối năm. 

Vì những lý do khác nhau, nhiều gia đình đặt mua bánh chưng, bánh tét phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán thay vì tự tay làm như trước. Nắm bắt nhu cầu này và tiếp nối truyền thống cha ông bao đời truyền lại, Tổ hợp tác sản xuất bánh tét mặt trăng Đại An Khê (Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị) đã được hình thành với quy mô 20 cơ sở.

Những chiếc bánh chưng thành phẩm tại làng bánh nổi tiếng Đại An Khê

Theo tìm hiểu, sản phẩm bánh tét mặt trăng Đại An Khê đã được chứng nhận 3 sao Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCCOP) của tỉnh Quảng Trị, góp phần hỗ trợ người dân làng Đại An Khê kinh doanh và phát triển nghề làm bánh hiệu quả hơn.

Không những vậy, Tổ hợp tác sản xuất bánh tét mặt trăng ra đời với tem truy xuất nguồn gốc còn giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm được nguồn gốc của chiếc bánh mình cầm trên tay và an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm này.

Ông Đào Bá Giai - chủ một cơ sở sản xuất bánh chưng, bánh tét tại làng Đại An Khê cho biết, cơ sở sản xuất bánh chưng, bánh tét của ông cũng như gần 20 hộ gia đình khác không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh Quảng Trị mà còn nhận đơn hàng từ các tỉnh thành lớn trong cả nước.

Gạo nếp gói bánh được lựa chọn kĩ càng trước khi đem ngâm để làm bánh chưng, bánh tét

“Những ngày gần Tết Nguyên đán, mỗi ngày cơ sở của tôi lại đóng gói gửi đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hàng nghìn chiếc bánh chưng, bánh tét mặt trăng. Để kịp và đảm bảo chất lượng của bánh khi đến tay khách hàng có khi chúng tôi phải từ chối đơn hàng đặt muộn”, ông Giai cho hay. 

Ghi nhận tại cơ sở của ông Giai, hàng chục nhân công khác đang tấp nập làm việc với người thì lau lá, người thì gói bánh, người đem bánh ra rửa, hong khô, đóng gói… Ông chủ cơ sở tuổi “lục tuần” này cho biết thêm, thông thường nhà ông chỉ thuê thêm khoảng 2, 3 người làm. Nhưng vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày cơ sở của ông cần hơn 10 người làm liên tục mới sản xuất bánh kịp để gửi cho khách.

Lá chuối dùng để gói bánh được lựa chọn kỹ lưỡng để chất lượng bánh tốt hơn

“Thông thường, tôi sẽ thuê người ta theo hình thức “ăn theo sản phẩm” tức là gói được bao nhiêu bánh thì trả bấy nhiêu tiền. Gói 1 cái bánh tôi trả cho họ 3 nghìn đồng” chủ cơ sở bánh chưng, bánh tét này cho hay.

Nói về cách thức làm bánh chưng, bánh tét mặt trăng, ông Giai chia sẻ, cách làm bánh rất đơn giản và dường như ai cũng có thể làm. Bánh được làm từ các nguyên liệu gạo nếp, thịt heo, đậu xanh…

Theo ông Giai, trước khi làm bánh người ta sẽ đem gạo đi ngâm, sau đó vo lại thật sạch và để ráo nước, trộm thêm một lượng muối nhất định. Nhân của bánh được làm từ thịt heo, đậu xanh cũng được ướp các gia vị phổ biến như nước mắm, muối, hạt nêm… Trong đó, tùy theo yêu cầu, nhu cầu của khách hàng, có một số bánh sẽ chỉ làm nhân đậu xanh (bánh chay).

Chiếc khuôn  gỗ được dùng để àm bánh chưng

Để bánh có màu xanh bắt mắt, bớt độ ngậy của gạo nếp người ta sẽ dùng lá rau ngót xay lọc lấy nước rồi đem nước này trộn vào trong gạo trước khi gói.

“Ngày xưa thì việc bốc phần gạo, nhân bỏ vào gói chỉ mang tính ước lệ theo thói quen. Tuy nhiên, ngày nay, tất cả công đoạn đó đều được cân đo, đong đếm cẩn thận tỉ mỉ”, ông Giai bật mí.

Mỗi chiếc bánh gói xong được buộc lại thật chặt bằng lạt trước khi đem vào luộc. Sau nhiều giờ liên tục luộc ngập trong nước sôi, chiếc bánh sẽ được vớt ra và đem đi rửa lại bằng nước sạch.

Bánh được để ráo nước và đem đến chỗ thoáng đãng để khô tự nhiên. Công đoạn này sẽ được rút ngắn thời gian nhờ những chiếc quạt điện.

“Bánh luộc chín, hong khô sẽ được hút chân không, đóng bao bì và gắn tem truy xuất nguồn gốc. Hạn sử dụng của mỗi chiếc bánh là 1 tuần, tùy thuộc theo cách bảo quản”, ông Giai cho hay.

Bánh được bọc kĩ và dán tem nguồn gốc trước khi giao đến khách hàng

Bánh chưng (vuông), bánh tét (tròn) là tượng trưng cho trời và đất. Việc cúng các loại bánh này trong dịp Tết Nguyên đán cũng là cách bày tỏ mong muốn tạ ơn trời đất và cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, công việc thuận lợi của người Việt.