Người mắc COVID-19 không khai báo có thể mất quyền lợi gì?

Việc khai báo y tế, khai về tình trạng nhiễm bệnh là trách nhiệm của công dân với cộng đồng, là trách nhiệm pháp lý. Việc không khai báo khi lây nhiễm dịch bệnh có thể khiến người đó mất đi một số quyền lợi.

Hiện có nhiều người mắc COVID - 19 nhưng tự điều trị tại nhà mà không khai báo y tế. Họ có thể mất quyền lợi gì? 

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, diễn biến tình hình dịch bệnh cuối năm 2021 đến nay đã rất khác so với thời kỳ quý III năm 2021 trở về trước bởi Việt Nam đã cơ bản phủ kín vắc-xin và có thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch bệnh, thích ứng an toàn.

Cho đến thời điểm này thì dịch bệnh COVID - 19 đã không còn là cơn "ác mộng", gây hoang mang đối với nhiều người, bởi những biến thể về sau cũng ít nguy hiểm hơn trước và đại đa số người dân đã được tiêm phòng vắc - xin nên nguy cơ tử vong và tỷ lệ tử vong giảm đi rất nhiều so với thời điểm giữa năm 2021. Lực lượng y tế ở nhiều địa phương cũng quá sức, quá tải nên việc quản lý, điều trị, theo dõi F0 không được sát sao như trước.

Nhân viên y tế đến tận nhà tiêm vắc xin COVID - 19 cho người cao tuổi tại Hà Nội.

Với diễn biến dịch bệnh và tình hình phòng chống dịch bệnh thay đổi nên những người mắc bệnh COVID-19 được tự điều trị ở nhà và đa phần là sẽ tự khỏi sau 07 - 10 ngày. Nhiều người còn không có triệu chứng, nếu không xét nghiệm thì không biết mình đã dương tính với COVID -19.

Nhiều trường hợp khai báo y tế, khai báo về việc nhiễm COVID -19 với cơ sở y tế địa phương nhưng do số lượng người mắc bệnh quá nhiều nên việc kiểm tra, hướng dẫn, xét nghiệm gặp khó khăn. Bên cạnh đó là tâm lý chủ quan, coi dịch bệnh như "cúm mùa" nên có thể có người đã không khai báo khi mắc bệnh.

Tuy nhiên, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, với quy định của pháp luật cũng như quy định về phòng chống dịch bệnh thì việc khai báo y tế đối với người có nguy cơ lây nhiễm và những người đã mắc bệnh là bắt buộc để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

"Việc không khai báo y tế về trường hợp đã mắc COVID-19 đồng thời không tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống dịch bệnh (vẫn đi lại, giao lưu tiếp xúc...) làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", Luật sư Đặng Văn Cường cảnh báo.

Trường hợp không khai báo nhưng tự cách ly ở nhà, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh (tuân thủ quy định về cách ly, hạn chế tiếp xúc và thực hiện 5K) thì có thể cũng không gây nguy hiểm cho cộng đồng, nhưng người không khai báo sẽ chịu chịu nhiều thiệt thòi như không được tư vấn chính xác, cụ thể về tình trạng bệnh tật, không có cơ quan tổ chức theo dõi sức khỏe thường xuyên giống như các trường hợp khai báo hằng ngày với cơ quan chức năng.

Khi bệnh chuyển biến nặng mới thông báo cho cơ quan chức năng thì có thể sẽ không kịp xử lý vì không nằm trong danh sách đang được ưu tiên điều trị, không được các khoản hỗ trợ như hỗ trợ về thuốc, về thu nhập và các khoản hỗ trợ khác theo quy định pháp luật.

Bởi vậy mặc dù hiện nay ở Hà Nội và một số địa phương số ca mắc COVID - 19 tăng cao, người dân không còn hoang mang với dịch bệnh nữa, tuy nhiên việc khai báo về tình trạng sức khỏe, tình trạng nhiễm bệnh là bắt buộc để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, an toàn cho tính mạng sức khỏe của người bệnh.