Nghề báo nguy hiểm, không say mê khó thành công

Nghề báo được xem là một lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù, đòi hỏi người làm nghề phải luôn năng động, sáng tạo và cần sự trải nghiệm không ngừng trong công việc. Để trở thành một nhà báo thực thụ, đòi hỏi người theo nghề phải có phông kiến thức nền sâu rộng, lòng đam mệ, sự năng động, óc tư duy liên tục, sự bền bỉ và sự dấn thân với nghề...

Nhiều người nghĩ nghề báo là nghề “hót”, người làm báo không phải lao động chân tay, được ngồi trong phòng máy lạnh, lướt mạng rà thông tin, tay gõ lên bàn phím máy vi tính mà viết nên những bài báo, trở thành nhà báo thành đạt như hào quang chói lọi, bởi họ có những tác phẩm báo chí hay, tác động làm thay đổi cuộc sống, nhiều tác phẩm đoạt giải cao, bút danh nhà báo đi vào lòng bạn đọc… Mấy ai biết, để có những tác phẩm báo chí đi vào lòng người, là cả một hành trình vất vả, mồ hôi và nước mắt, thậm chí xương máu của mình. Nghề báo là một nghề vất vả, hiểm nguy!

Ảnh minh họa

Để có một tác phẩm báo chí, phóng viên phải đi đến nơi xảy ra sự việc, nắm bắt thông tin, ghi âm, quay phim, chụp ảnh… và hệ thống lại thành tác phẩm báo chí. Dự hội nghị, trong khi những đại biểu khác ngồi nghe thì phóng viên bắt đầu một chuỗi công việc… Kết thúc hội nghị, đại biểu về nghỉ, phóng viên phải suy nghĩ và thể hiện thông tin hội nghị nộp nhanh cho tòa soạn.       

Có phóng viên ngày đi hàng trăm cây số để tiếp cận thông tin, khi có đủ thông tin rồi, dù mệt mỏi hay đêm hôm khuya khoắt cũng phải hoàn thành tin, bài cho kịp phát lên sóng, lên mạng, chạy nhật trình sớm nhất. Không phải lúc nào phóng viên đi thực tế cũng thuận lợi, lắm khi đường sá xa xôi, đến nơi rồi chưa có thông tin ngay được, bởi vì người biết thông tin đi vắng hoặc ngại cung cấp thông tin cho nhà báo sẽ nguy hiểm đến bản thân. Gặp những tình cảnh này, phóng viên không thể trở về tay không mà anh phải tự vận động, tự xoay xở bằng nghiệp vụ chuyên môn tìm cho bằng được thông tin cần thiết.

Nhiều trường hợp muốn có thông tin đắt giá, phóng viên phải dấn thân, cải trang xâm nhập thực tế để có được thông tin sống động. Có phóng viên làm hồ sơ xin việc ở nhà máy, xí nghiệp làm công nhân. Viết về nghề chạy xe ôm, phải đóng vai tài xế xe ôm. Muốn nắm bằng chứng cảnh sát giao thông mãi lộ như thế nào, có phóng viên phải nhiều ngày lân la làm quen với các bác tài xế đường dài và xin cho được một vai “lơ xe” để chứng kiến và quay phim, chụp ảnh các cảnh “làm tiền” của cảnh sát giao thông. Có trường hợp lúc phóng viên phục kích quay phim, bị đối tượng phát hiện truy sát, nếu không được đồng nghiệp, người dân giải cứu kịp thời, thì khó toàn tính mạng…

Những thông tin việc tốt, dễ thu thập nhưng có những thông tin chạm đến sự việc tiêu cực thì rất khó khai thác. Có trường hợp phóng viên bị “xử” ngay nơi tác nghiệp. Nếu phóng viên khôn khéo thoát được, khi tác phẩm báo chí phát hành ra cộng đồng xã hội, các tổ chức, cá nhân, nơi xảy ra vụ việc không tốt thuê xã hội đen hành hung nhà báo …

Nghề báo lắm hiểm nguy như vậy, không say mê với nghề, khó thành công được.

Những nhà báo có “lửa” nghề không ngại những khó khăn hiểm nguy trên đường tác nghiệp. Họ dấn thân vào mưa bom, bão đạn để có những thông tin, bằng chứng tốt nhất.

Nhưng không phải nghề báo chỉ có sự vất vả, khắc nghiệt, mà nó còn đem lại cho người làm báo trải nghiệm mới và những cái “được” không phải nghề nào cũng có. Cái được lớn nhất là được đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc nhiều, mối quan hệ rộng, từ đó hiểu biết xã hội được nâng cao. Và tuy vất vả, nhọc nhằn và nhiều hiểm nguy, nhưng những người làm báo còn rất nhiều niềm vui, hạnh phúc và vinh quang. Đó là luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ của bạn đọc, đồng nghiệp và của các cấp, các ngành, các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Ngoài ra, còn phải kể đến niềm vinh dự, tự hào sau mỗi năm miệt mài công tác, nhà báo lại có những tác phẩm được xét trao giải thưởng trong các cuộc thi do Trung ương, tỉnh và các ngành phát động… Hạnh phúc lớn hơn đối với mỗi phóng viên, mỗi nhà báo là hiệu ứng từ những tác phẩm báo chí được công chúng quan tâm, đón nhận, có tác dụng sâu sắc tới đời sống xã hội.

Nhọc nhằn nhưng vinh quang. Người theo nghề báo phải biết tự hào với những vinh quang của nghề để vượt qua những nhọc nhằn vốn có. Nếu không dấn thân và không yêu nghề thì người làm báo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ và khó thành công.

Nhận trách nhiệm Đảng, Nhà nước, nhân dân và xã hội gửi trao, người làm báo cũng là người chiến sỹ để mỗi khi một tác phẩm báo chí đến với bạn đọc là sự vào cuộc của cả một tập thể phóng viên, biên tập viên, đội ngũ người làm báo. Và để có những bài báo chất lượng, mang hơi thở cuộc sống, sự quan tâm, góp ý của bạn đọc là nguồn động viên để những người làm báo không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao tay nghề, góp phần mang lại sự sinh động, đa dạng và hiệu quả cho tờ báo.

-> Nữ nhà báo viết hay nhưng phải “giữ lửa” tốt