Nét đẹp văn hóa dân gian trong lễ hội Xuân đền Từ Hạ, Hải Dương

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc thường được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm trong lễ hội Xuân đền Từ Hạ tại xã Thanh Quang, Thanh Hà, Hải Dương.

Lễ hội Xuân đền Từ Hạ được tổ chức vào tháng Giêng, từ ngày 14 - 15 tháng 1 âm lịch hàng năm, với nhiều hoạt động đặc sắc như rước lễ, dâng hương, tế lễ, cúng Thánh và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian sôi nổi gồm giao lưu bóng chuyền hơi, thi đấu cờ tướng, kéo co, bắt vịt, đập niêu…

Nhiều em nhỏ thích thú với trò chơi bắt vịt

Trò chơi đập niêu cũng là một nét đẹp văn hóa trong lễ hội Xuân đền Từ Hạ

Kéo co, bóng chuyền được nhiều người trong làng tham gia sôi nổi

Được biết, đền Từ Hạ nằm ở thôn Phúc Giới (xã Thanh Bính cũ) nay là xã Thanh Quang. Đền thờ ba vị Thành hoàng làng: Đặng Chân, Trịnh Thị Khang và Đặng Trí, có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân vào thế kỷ X. Không chỉ mang những giá trị văn hóa tâm linh, đền còn là nơi các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ chọn làm căn cứ sinh hoạt, hội họp, lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đấu tranh chống thực dân Pháp trong giai đoạn 1946 - 1954. Tại đây, vào tháng 11.1951, lãnh đạo Tỉnh uỷ và Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Hải Dương đã họp bàn kế hoạch với bộ đội chủ lực, quyết định đánh bốt Xuân Nẻo và Ô Mễ (Tứ Kỳ), mở ra cục diện mới đối với cuộc kháng chiến chống Pháp ở Hải Dương.

Hiện nay, đền Từ Hạ còn lưu giữ khá nhiều cổ vật và đồ thờ tự thời Lê và thời Nguyễn, tiêu biểu như 8 đạo sắc phong thời Nguyễn vào các năm 1887, 1889, 1909, 1911 và năm 1924; ba pho tượng Thánh Phụ, Thánh Mẫu và Thánh Tử sơn son thếp vàng, 2 bức cuốn thư trang trí hoa lá cách điệu, 1 nghê đá thời Lê, 2 tấm bia thời Nguyễn… Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, đền Từ Hạ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 2001.