Nâng cao năng lực nghiên cứu về Dân số và Phát triển đến năm 2030

Mục tiêu của kế hoạch nhằm tăng cường tiềm lực nghiên cứu về dân số và phát triển, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao năng lực trình độ nghiên cứu chuyên sâu, đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu toàn diện về dân số và phát triển để cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu đề ra trong chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

Trong những năm qua, công tác dân số đã đạt được những thành tựu to lớn. Tính đến năm 2019, dân số trung bình của cả nước là hơn 96 triệu người. Tổng tỷ suất sinh đạt 2.09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70,8%.

Cả nước có 723.000 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, gần 470.000 trẻ được sàng lọc sơ sinh; hơn 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; tầm vóc, thể lực của người dân được cải thiện; chất lượng dân số từng bước được nâng lên… góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ảnh minh họa. 

Theo các chuyên gia, để đạt được những thành tựu quan trọng kể trên, ngoài nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên trong ngành Dân số phải kể đến một phần đóng góp to lớn của các nhà khoa học, các công trình nghiên cứu của các chuyên gia trong việc cung cấp bằng chứng khoa học, đề xuất giải pháp cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành chương trình dân số của Việt Nam thời gian qua.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cả nước có từ 2 đến 5 tổ chức đủ năng lực nghiên cứu chuyên sâu về dân số và phát triển; đến năm 2030 có từ 5 đến 8 tổ chức đủ năng lực nghiên cứu chuyên sâu về dân số và phát triển; có ít nhất 5 công bố về dân số và phát triển trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc ISI hoặc Scopus; 30 công bố trên các tạp chí khoa học trong nước; 5 nghiên cứu sinh thực hiện luận án, 15 thạc sỹ được đào tạo trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Kế hoạch.

Đến năm 2030 các nghiên cứu khoa học công nghệ về dân số và phát triển được nghiên cứu, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới; một số công nghệ Y - sinh học chuyên sâu phục vụ việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được nghiên cứu, phát triển đạt trình độ ngang tầm thế giới được ứng dụng tại Việt Nam.

Có ít nhất 10 công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc ISI hoặc Scopus; 30 công bố trên các tạp chí khoa học trong nước; 10 nghiên cứu sinh thực hiện luận án, 30 thạc sỹ được đào tạo trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Kế hoạch.

Nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch là nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu về dân số và phát triển; nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật cho các tổ chức nghiên cứu về dân số và phát triển; tổ chức triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ về dân số và phát triển; hình thành mạng lưới liên kết giữa cơ sở nghiên cứu và nhà khoa học về dân số và phát triển tại Việt Nam thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tăng cường truyền thông về dân số và phát triển; tăng cường hội nhập quốc tế trong nghiên cứu về dân số và phát triển. Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế song phương, đa phương, tăng cường trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, kết quả hoạt động nghiên cứu về dân số và phát triển.

Trong đó, về tổ chức triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ về dân số và phát triển, nghiên cứu toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số và quan hệ, tác động của dân số với phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng về các mặt: duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hài hoà, hợp lý; lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực; nâng cao chất lượng dân số.

Ảnh minh họa. 

Bên cạnh đó, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước về dân số và phát triển. Tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa dân số và phát triển phục vụ xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển ngành, lĩnh vực; phát triển kinh tế - xã hội địa phương và quản lý điều hành công tác dân số. Phát triển công nghệ y - sinh học nhằm tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh ngang tầm khu vực và thế giới; dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu, cơ sở dữ liệu chuyên ngành dân số và phát triển kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; bảo đảm cung cấp đủ các thông tin, số liệu phục vụ nghiên cứu và lồng ghép yếu tố dân số vào công tác lập kế hoạch phát triển ở các ngành, các cấp.

-> Cơ cấu "dân số vàng" tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội