Một người tử vong, 2 người nguy kịch sau khi ăn pate chay

Một người phụ nữ tử vong sau khi dùng thực phẩm patê chay nghi có chứa độc tố Botulinum. Ngoài ra, con gái và chị gái của người này cũng đang trong tình trạng nguy kịch.

Chiều 25/3, Sở Y tế TP.HCM cho biết, 3 bệnh nhân là người trong 1 gia đình (ngụ Bình Dương) nghi bị ngộ độc do sử dụng pate chay đã chuyển lên cấp cứu tại các bệnh viện ở TP.HCM.

Ảnh minh họa.

Theo Sở Y tế, bệnh nhân C.N.M, 42 tuổi, từng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đã tử vong. 

Bà C.N.H, 53 tuổi, đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115, là chị gái của bệnh nhân M. Bệnh nhân P.T.T.T, 16 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, là con của bệnh nhân M.

Sở Y tế cho biết, 3 bệnh nhân đều bị nhược cơ, suy tuần hoàn, suy hô hấp. Trước đó, cả ba cùng ăn pate chay.

Gia đình các bệnh nhân cho biết, trưa 20/3, gia đình nấu bún riêu chay cho nhiều người cùng ăn tại một miếu cách nhà khoảng 2 km thuộc thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Trong nguyên liệu có 1 hộp pate chay đã bị phồng lên.

Sau khi ăn, lần lượt các bệnh nhân trên nhập viện cấp cứu. Trong đó bệnh nhân M. nhập Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 24/3 trong tình trạng mệt mỏi, nuốt khó.

Sau đó, nữ bệnh nhân được chuyển Khoa Nội thần kinh với chẩn đoán theo dõi viêm thân não, phân biệt với ngộ độc.

Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân bị ngưng tim đột ngột, suy hô hấp. Sau đó, bệnh nhân được người nhà xin về và đã tử vong.

Hiện tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2 đang hồi sức tích cực cho các bệnh nhân và đang chờ các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đến hội chẩn. Nhóm bác sĩ này cũng sẽ mang thuốc giải độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum, tác nhân chính có trong patê chay gây ra ngộ độc.

Ban An toàn vệ sinh thực phẩm đang khẩn trương xác minh, thu thập thông tin và xử lý theo quy định.

Trong khi chờ xác định chính xác thông tin, Sở Y tế yêu cầu người dân tạm ngưng việc sử dụng tất cả các sản phẩm có liên quan đến patê chay và chờ thông tin, thông báo mới nhất từ Ban An toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng những ai đã cùng ăn patê chay với các bệnh nhân trên cần đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi và điều trị.

Trước đó, vào tháng 9/2020, tại TP.HCM đã tiếp nhận 10 trường hợp ngộ độc Botulinum liên quan đến sản phẩm patê Minh Chay.

-> Bình Dương phong tỏa khu phố có người nước ngoài nghi mắc COVID-19