Mải mê trải nghiệm tàu cao tốc, người dân Hà Nội "quên" phòng dịch

Trong ngày đầu tiên hoạt động, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đón tín hiệu mừng khi có hàng trăm lượt tàu giúp hơn 25.000 người trải nghiệm. Tuy nhiên, cũng vì thế nỗi lo bùng dịch đang trở nên báo động.

Lượng người ra vào tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đông nườm nượp trong ngày thứ 2 mở chạy

Ngày 6/11, dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức được đưa vào vận hành, khai thác thương mại sau cả thập kỷ thi công, chờ đợi với nhiều lần điều chỉnh tiến độ.

Ngay trong ngày đầu tiên, tàu Cát Linh - Hà Đông hoạt động từ 8h và đóng tuyến lúc 22h đã phục vụ 109 lượt tàu chạy với tổng lượt khách trải nghiệm lên tới 25.680 người. Tuy nhiên, việc người dân tập trung quá đông để trải nghiệm tàu cao tốc đã khiến nỗi lo bùng dịch trở nên nóng hơn bao giờ.

Theo ghi nhận của phóng viên Gia đình Việt Nam, vào chiều 7/11 - ngày thứ hai tàu cao tốc Cát Linh - Hà Đông hoạt động, số lượng người tham gia đi tàu như đi "trẩy hội". Nhìn cảnh tượng này không ai nghĩ Hà Nội đang trong những ngày dịch bệnh.

Đáng chú ý, công tác phòng dịch tại các ga lên tàu lại rất sơ sài. Hành khách đến trải nghiệm chỉ cần đeo khẩu trang, đo nhiệt độ, sát khuẩn tay là có thể lên tàu. Một số người khác tự giác khai báo y tế trong khi hầu hết thẳng cửa đi vào không hề "mảy may" quan tâm đến việc làm quan trọng này. Thế nhưng, điều đáng nói là không hề thấy bóng dáng của nhân viên y tế hay lực lượng chức năng để nhắc nhở người dân phòng chống dịch.

Nhìn những cảnh tượng này, ít ai nghĩ Việt Nam đang trong quá trình phòng chống dịch bệnh

Người trong các khoang tàu đứng san sát nhau, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn

Chứng kiến cảnh người dân chen chúc trải nghiệm tàu cao tốc, một người dân cho hay, ông lo sợ việc lây nhiễm dịch bệnh. 

“Thấy dòng người nườm nượp, khoang tàu chật kín, mọi người lại đứng san sát nhau, thậm chí có những người đeo khẩu trang dưới mũi với hình thức lấy lệ, tôi đã vội vã đi về vì rất sợ lây dịch", vị khách này chia sẻ.

Tham gia trải nghiệm chuyến tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chị Nguyễn Thị Mai và người bạn của mình đến từ quạn Bắc Từ Liêm, Hà Nội không khỏi lo lắng trước nguy cơ bùng dịch. Chị Mai cho biết, chị chỉ cần đo nhiệt độ và sát khuẩn tay là đã được tham gia đi tàu, không yêu cầu giấy test Covid hay quét mã QR code.

“Hôm nay cuối tuần được nghỉ làm nên tôi và bạn của mình cũng muốn đi ra đây để được trải nghiệm tàu cao tốc nhưng có lẽ sau hôm nay tôi nghĩ mình không còn dám đi nữa. Một chiếc tàu mà quá đông người tham gia, đứng sát nhau vô tư nói chuyện mà không không thấy lực lượng y tế và chức năng nhắc nhở”, chị Mai cho hay.

Còn anh Phạm Văn Mạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng và lo nhiễm bệnh sau khi trải nghiệm chuyến tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

“Hôm qua đọc báo cũng thấy đông người đến đây nhưng tôi không nghĩ lại quá đông như vậy và nó vượt quá mức tưởng tượng của tôi. Khi về đến nhà, tôi đã phải thay ngay quần áo, sát khuẩn tay nhưng vẫn có cảm giác sợ mình bị lây nhiễm bệnh”, anh Mạnh chia sẻ.

Người người nối đuôi nhau ra vào ga tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Trước đó, ngày 1/11 Hà Nội chuyển từ cấp độ 1 (vùng xanh, tức bình thường mới) lên cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình) sau khi ghi nhận nhiều ca COVID-19 ngoài cộng đồng. Cùng với đó TP Hà Nội thay đổi một số biện pháp phòng chống dịch.

Cụ thể, trong Kế hoạch số 243/KH-UBND về việc thực hiện Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVI-19” UBND TP Hà Nội đã hướng dẫn cụ thể về một số biện pháp phòng dịch.

Theo đó, các hoạt động tập trung trong nhà và ngoài trời với các hoạt động trên 30 người, Hà Nội khuyến khích thực hiện trực tuyến; trong trường hợp tổ chức trực tiếp phải xây dựng kế hoạch đảm bảo phòng, chống dịch, xin phép chính quyền địa phương và thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, TP Hà Nội yêu cầu 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vắc xin; có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ; ký cam kết tuân thủ quy định và chịu sự giám sát của chính quyền địa phương.

Các hoạt động và cơ sở kinh doanh phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR theo quy định của Bộ Y tế.

Thế nhưng nhìn vào thực tế tại tàu Cát Linh - Hà Đông với 2 ngày cuối tuần hoạt động, hàng nghìn người đến đây không khoảng cách, không quét mã QR, càng không có kết quả xét nghiệm Covid-19 trong vòng 72 giờ... khiến nhiều người bày tỏ lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch.

"Tàu cao tốc trên cao Cát Linh - Hà Đông khuyến mại vé trong vòng 15 ngày nhưng cứ tình trạng đông người, không kiểm soát dịch chặt chẽ, không tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế như thế này này tôi sợ dịch bùng phát lúc nào không hay”, một hành khách không giấu được lo lắng.

Trong khi một hành khách khác thì cho rằng, còn gần 2 tuần vé tàu được phát miễn phí thiết nghĩ ban quản lý tàu nên có những biện pháp tốt nhất để phòng chống dịch tránh việc làm lây lan, bùng phát dịch. 

Nguy cơ bùng phát dịch khi người dân chen chúc trải nghiệm tàu cao tốc Cát Linh - Hà Đông