Kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc tại Thanh Hóa

Chiều 24/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Sầm Sơn Golf & Resort, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã tổ chức chương trình: “Gặp gỡ Thanh Hóa – Hàn Quốc” với sự tham dự của hơn 650 đại biểu.

 Toàn cảnh chương trình "Gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc". Ảnh: QD

Đây là chương trình mở đầu trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (22/12/1992 – 22/12/2022) quy mô cấp vùng diễn ra từ 24 – 26/3 tại TP Sầm Sơn do UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức.

Ngoài 2 hội nghị chính chức là: “Gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc” và Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc năm 2022”, chương trình kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc tại Thanh Hóa còn có các cuộc gặp gỡ, kết nối giữa đoàn công tác Đại sứ quán, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc với các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị; Trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm thế mạnh của các tỉnh, thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự hội nghị; Tham quan Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Thanh Hóa và Hàn Quốc đã có bước phát triển mạnh trên hầu khắp các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội. Thông qua hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lp quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc nói chung và giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Hàn Quốc nói riêng. Đồng thời, thông qua các hoạt động kỷ niệm tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch giữa tỉnh Thanh Hóa với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm các lĩnh vực chế biến, chế tạo công nghệ cao, xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: QD

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện nay Thanh Hóa là một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của Việt Nam, hướng tới mục tiêu là cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc, là điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng hoạt động hợp tác đầu tư của Thanh Hóa với các đối tác Hàn Quốc sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Tuấn đề nghị các nhà đầu tư Hàn Quốc ưu tiên đầu tư lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao, xây dựng thành phố thông minh…Tỉnh Thanh Hóa cam kết luôn đồng hành, là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng.

 Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: QD

Theo thông tin từ chương trình “Gặp gỡ Thanh Hóa – Hàn Quốc”, hiện nay, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực của tỉnh Thanh Hóa.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đến nay tỉnh Thanh Hóa có 37 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Hàn Quốc liên doanh với Nhật Bản, chiếm 26,5% tổng số các dự án FDI của tỉnh, các dự án có tổng vốn đăng ký khoảng 1,6 tỷ USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu là dự án Nhiệt điện Nghi Sơn II, Tập đoàn Kepco (Hàn Quốc) liên doanh với Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản), (trong đó vốn đầu tư của Hàn Quốc 1,39 tỷ USD); lĩnh vực may mặc có 21/37 dự án. Một số dự án triển khai hiệu quả như: Nhà máy may Winners Vina Nga Sơn; Công ty TNHH Namyang International; Nhà máy may công nghiệp S&H ViNa; Nhà máy sản xuất dây cáp điện ô tô của Tập đoàn THN (Hàn Quốc)...góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách địa phương.

Ngài Park Noh-Wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QD

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Hàn Quốc là thị trường đầy tiềm năng của Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 443 triệu USD, chiếm 11,9% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 408,5 triệu USD (chiếm 7,43%); có 88 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: may mặc, giầy da, thủy hải sản đông lạnh surumi, lông mi giả, tăm hồ… Năm 2021, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc của tỉnh Thanh Hóa đạt 213,1 triệu USD, với các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là mỹ phẩm, nguyên liệu phục vụ may mặc, linh kiện điện tử, hàng tiêu dùng....

 Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, công trình tiêu biểu cho quan hệ Thanh Hóa - Hàn Quốc. Ảnh: BTH

 Bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận nguồn vốn Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Hàn Quốc để thực hiện 5 dự án ODA với tổng vốn là 93,5 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực y tế, giáo dục, lĩnh vực giao thông, phát triển đô thị. Ngoài ra, từ nguồn Viện trợ Phi chính phủ (NGO), các nhà tài trợ Hàn Quốc đã triển khai 13 dự án tại Thanh Hóa với tổng giá trị giải ngân đạt 1,841 triệu USD.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa hy vọng sẽ có thêm nhiều cuộc tìm hiểu, tiếp xúc giữa doanh nghiệp Thanh Hóa và Hàn Quốc. Ảnh: QD

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ đồng hành và là cầu nối giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc với chính quyền, hỗ trợ tích cực các nhà đầu tư hợp tác, triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.