Khám chữa bệnh từ xa trong mùa đại dịch

Trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc phải đến bệnh viện làm nhiều người lo ngại, vì thế khám bệnh từ xa được coi như giải pháp hiệu quả.

Kết nối với bác sĩ bằng Zalo, Viber...

Chị Hà ở Q. Tân Bình (TP.HCM) lo lắng khi con gái 17 tuổi của chị bị mẩn ngứa khắp người khiến con đau nhức. Giờ TP.HCM đang giãn cách, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, gia đình chị rất ngại đưa con đến bệnh viện.

Nhờ người quen, chị Hà đã tìm được một bác sĩ chuyên khoa da liễu để tư vấn, khám bệnh từ xa cho con chị. Qua Zalo, chị kể hết quá trình diễn tiến bệnh, chụp ảnh bệnh nhân cho bác sĩ xem chỗ da con chị bị nổi mẩn, đau đớn. 

Sau đó, bác sĩ chẩn đoán con chị bị zona. Bác sĩ cho loại thuốc thoa và uống và bôi cho con chị, dặn ba ngày sau liên lạc với bác sĩ để bác sĩ xem lại bệnh cho con chị. Chị Hà thở phào vì con chị không phải đến bệnh viện khám.

Để phục vụ người bệnh ở xa, không thể đến bệnh viện khám trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngay từ đầu tháng 6 Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã triển khai dịch vụ tư vấn trực tuyến miễn phí. Hiện có rất nhiều người bệnh đã kết nối Zalo gọi đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn.

Ảnh minh họa

Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã tổ chức tư vấn từ xa qua kênh Zalo Bệnh viện Da liễu TP.HCM tương ứng với số điện thoại 0908051200. Người bệnh muốn được tư vấn sẽ tiến hành kết nối qua Zalo với Bệnh viện Da liễu TP.HCM, sau đó tiến hành cuộc gọi video.

Bà Nguyễn Thị Phan Thúy, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết: "Dịch vụ tư vấn trực tuyến do các bác sĩ nhiều kinh nghiệm là lãnh đạo các khoa/phòng đảm nhiệm. Tùy theo tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cách tự chăm sóc hoặc hướng dẫn sử dụng những thuốc không kê toa, sản phẩm bôi tại chỗ.

Trường hợp phải sử dụng các thuốc kê toa, người bệnh sẽ được hướng dẫn đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa da liễu hoặc vào Bệnh viện Da liễu TP.HCM khi cần thiết".

Giải pháp tình thế

Th.S Nguyễn Đình Huấn, chuyên khoa Hô hấp nhi - Da liễu nhi và Dị ứng nhi, cho biết trong những ngày dịch bệnh này bác sĩ sẽ khám bệnh từ xa cho bệnh nhân qua Zalo, Viber... Việc khám bệnh từ xa trong mùa dịch sẽ giúp ích cho bệnh nhân bị hạn chế di chuyển trong mùa dịch, nhất là bệnh da liễu, dị ứng nhi.

Các bậc cha mẹ có thể kết nối với bác sĩ qua Zalo, Viber... Bác sĩ sẽ nhìn hình ảnh, trao đổi phân tích với ba mẹ bệnh nhân. Qua khám bệnh từ xa online, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân cần khám trực tiếp hay cần nhập viện hay chỉ cần xử trí bằng những thuốc thông thường đơn giản ban đầu.

Theo bác sĩ Huấn, khám bệnh trực tiếp vẫn là tốt nhất, tuy nhiên "khám bệnh từ xa" trong mùa dịch này là một bước đầu để bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân lựa chọn để có thể nắm tình hình bệnh ban đầu, sau đó sẽ có bước xử trí tiếp theo... 

Ảnh minh họa 

Có những trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể cho thuốc để bệnh nhân khỏi phải đến bệnh viện. Ví dụ một bệnh nhi mắc bệnh hô hấp, nếu điều kiện bệnh nhi đang ở xa, ngại di chuyển trong mùa dịch thì người nhà bệnh nhi có thể kể tình trạng bệnh, quay video lại nhịp thở, cách thở và âm thanh tiếng ho của bệnh nhi, sau đó trao đổi ới bác sĩ.

Một số bác sĩ khác cho rằng những chuyên khoa như da liễu, dị ứng... có thể dễ khám bệnh từ xa chứ nhiều chuyên khoa khác như tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường... thì khó có thể khám bệnh từ xa được.

Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, trưởng phòng kế hoạch Bệnh viện Thống Nhất, cho biết trong mùa dịch này nhiều người bệnh lo lắng sức khỏe nên cũng gọi điện đến bệnh viện hoặc trao đổi trên website bệnh viện hoặc gửi email đến bệnh viện. Tổ công tác xã hội đã tiếp nhận tất cả những thông tin, thắc mắc của người bệnh.

Những thắc mắc nào tổ công tác xã hội trả lời được sẽ trả lời ngay cho người bệnh, còn không họ sẽ ghi lại số điện thoại của người bệnh, sau đó nhận tư vấn từ bác sĩ để trả lời lại cho người bệnh.

Được sự cho phép của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, những người bệnh mắc bệnh mãn tính, có tình trạng bệnh ổn định sẽ được các bác sĩ kê toa thuốc không quá 3 tháng, nên các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính thường sẽ được ở nhà lâu hơn. 

Người bệnh chỉ đến bệnh viện điều trị khi mắc các bệnh lý nặng, các trường hợp phẫu thuật cấp cứu, bị tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động...