Hội KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phát huy vai trò cộng tác viên, nâng cao hiệu quả tuyên truyền SKSS trong mùa dịch

Để người dân trong địa bàn nắm được thông tin và kiến thức về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc đã phát huy vai trò đội ngũ cộng tác viên trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo thống kê, dân số tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay có hơn 1,2 triệu người; trong đó, 70% dân số sống trong vùng nông thôn, mật độ dân số hơn 850 người/km2; tỷ lệ dân số phụ thuộc chiếm trên 53%.

Lao động chưa qua đào tạo còn 25-40%; số lao động chưa có việc làm từ 4- 5%; thời gian lao động ở vùng nông thôn còn cao so với thời gian sử dụng lao động (từ 60-65%); mỗi năm toàn tỉnh có hơn 25 nghìn người bước vào độ tuổi lao động...

Trước thực trạng này, đòi hỏi quan tâm hơn nữa tới công tác chăm sóc chất lượng dân số, kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt cân bằng mức sinh để đảm bảo phát triển bền vững.

Đội ngũ cộng tác viên dân số được đánh giá cao trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.

Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, đề án về dân số và phát triển, trong đó, nổi bật là Nghị quyết số 205 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 16/2020 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025.

Để đạt được hiệu quả theo chỉ thị của UBND tỉnh, Hội KHHGĐ xác định công tác truyền thông là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Những năm gần đây, ngành Dân số, KHHGĐ, chăm sóc SKSS tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng xây dựng. Trong đó, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số có năng lực, trình độ, làm cầu nối, chuyển tải các chủ trương, chính sách giúp người dân nâng cao nhận thức về mức sinh để đảm bảo công tác dân số trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, hiện tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 1.994 cộng tác viên dân số tại 136 xã, phường, thị trấn.

Thời gian qua, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng đội ngũ cộng tác viên dân số đã hoạt động tích cực để đưa các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản đến với người dân. 

Cùng với đó, các cộng tác viên còn là cơ sở giúp chính quyền các cấp có những số liệu tin cậy, cập nhật về tình hình dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục...

Linh hoạt, đổi mới công tác dân số, lực lượng cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số ở các địa phương đã có nhiều cách làm hay, xây dựng được nhiều câu lạc bộ thu hút đông đảo chị em trong độ tuổi sinh đẻ và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội như: Mô hình “can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”; câu lạc bộ “không sinh con thứ 3”, câu lạc bộ “chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên” tại cộng đồng. 

Đặc biệt, thông qua các buổi sinh hoạt, tuyên truyền, nhận thức của người dân, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được nâng lên.

Cán bộ y tế, dân số “đi từng ngõ, gõ từng nhà” phổ biến cho người dân các dịch vụ sinh sản, KHHGĐ

Cùng với đó, các biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, nâng cao mức sống... được Hội KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện hiệu quả và tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống được ngăn chặn.

Nhờ đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số nhiệt tình, trách nhiệm rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, công tác dân số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đến nay, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở Vĩnh Phúc giữ ở mức 1,2%; có 86% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; 92% các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn và cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; 72% phụ nữ trong độ tuổi 15-49 có nhu cầu tránh thai đang sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại….

Cơ cấu dân số theo độ tuổi đã thay đổi dần theo hướng tích cực, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng, tỷ lệ dân số phụ thuộc giảm; dân số thành thị tăng trung bình mỗi năm khoảng 3-4% dân số, góp phần đưa tỷ lệ dân số thành thị đạt 30%. Đặc biệt, chất lượng dân số tăng đáng kể và Vĩnh Phúc là một trong 20 tỉnh, thành đạt chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất của cả nước.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ